Nhớ Hà Nội xưa

ANTĐ - Có cả một khu rộng lớn ở gần sân bay Tân Sơn Nhất dành cho những người ở Hà Nội và những tỉnh miền Bắc vào phương Nam sinh sống, lập nghiệp. Tôi ở quận 3 nên ít biết khu vực này, nhưng vì bán nhà, nên tôi tạm thời thuê nhà ngay khu sân bay để ở, đợi sửa chữa nhà xong mới về ở. Chỗ ở mới lạ không biết chợ ở đâu, sinh hoạt thế nào đây, tôi bèn đi loanh quanh thăm thú - hóa ra ngay cạnh nhà là một chợ nhỏ, bán đủ loại hoa quả, rau xanh, thịt, cá, đặc biệt là hàng quà. 

Nhớ Hà Nội xưa  ảnh 1Phụ nữ Hà Thành xưa

Trên đường từ quận 1 về nhà, tôi trông thấy hàng phở Bát Đàn chính hiệu, phở tái lăn, phở xào, phở Phú Gia, phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, bún mọc bún gà, phở cuốn Ngũ Xá, Hàng Điếu, miến gà, bánh trôi, xôi thịt, chả, giò lụa kho, ruốc, cháo sườn - sủi cảo, mì vằn thắn… Giữa Sài Gòn, những nơi ấy làm tôi lại nhớ những hàng quà ở Hà Nội quá. Nhớ miến lươn mùi vị thơm ngon, lươn chiên giòn, thi thoảng có vài lá rau răm dậy mùi.

Nhớ Hà Nội xưa  ảnh 2

Cô Lê - Sơn dầu 1969

Nhớ phở Bát Đàn phải xếp hàng để đợi được vào ăn. Nhớ bánh cuốn, nhớ xôi ngô, xôi xéo, bánh rán, bánh trôi, nhớ bún riêu, bún ốc ở phố Mai Hắc Đế, chả cá ở phố Lã Vọng, phở Thìn tái lăn ở Lò Đúc, nhớ bún mọc, bún thang ở góc phố Hàng Hành … Ẩm thực Hà Nội nay thay đổi cũng nhiều, mọi thứ ê hề hơn, pha trộn nhiều hơn, hình như cứ nghĩ thật nhiều thịt, nhiều gia vị, rau cỏ là ngon lắm. Giờ ra Hà Nội mà đi ăn, bát thịt chả đầy tú ụ, bún, rau quá ê hề, bỗng thèm nhớ lại việc ăn uống thanh cảnh năm nào, ăn xong vẫn còn thèm, còn nhớ. Giờ nhìn thấy sự tràn đầy, dư giả quá bỗng thấy chán không muốn ăn.

Quán bún mọc ở ngay gần nhà tôi, mọc có lẫn mộc nhĩ nấm hương, có sườn hoặc gọi gà và mọc, rau dọc mùng, nước trong vắt, nóng hổi có một ít hành mùi xanh ngắt, mấy cái quẩy nhỏ giòn vàng.  Phở gà, phở bò cũng vậy, bát vừa phải, nước trong vắt, gà đi bộ da giòn kháy, vàng ruộm, có vài miếng lá chanh, một ít hành mùi, tương ớt Hà Nội. Phở Hà Nội xưa không tú hụ thịt, bánh phở, không có một đĩa giá to đùng, rau thơm các loại, tương, … bày trên bàn la liệt như tất cả các hiệu phở bây giờ. Ăn xong vẫn thòm thèm, vẫn giữ được nguyên mùi vị tinh túy của phở. 

Tôi vừa đi Nhật về - nghe nói có một quán nổi tiếng từ năm 1897 - cũng đến ăn, ngồi ở hàng ghế phía ngoài đợi từ từ đến lượt mình. Cung cách đồ ăn họ giữ gìn từ những năm 1897. Đã 118 năm trôi qua, họ vẫn tự hào về cách làm một quả cà chua, một miếng thịt bò, một kiểu xào, một kiểu cơm của họ. 118 năm mọi người vẫn xếp hàng chờ đợi để được cảm nhận, được thưởng thức. Tôi bỗng hiểu rằng có nhiều thứ nếu chúng ta không biết trân trọng giữ gìn, sẽ biến mất, thất truyền. Hiện có ai đang lưu giữ giống cam Bố Hạ trước nguy cơ bị biến mất? Tôi nghe nói giống cam này đã mất giống rồi, loài cam nổi tiếng, niềm hãnh diện vang danh một thời.

Ở Nhật lần này, từ Osaka đi xe buýt sang Kyoto tôi đi qua một con đường to rộng mà đó chính là một cây cầu vượt biển, nhìn sang hai bên đường biển rộng mênh mông, sóng vỗ rầm rì, hàng đoàn ô tô cứ chạy đi, chạy lại ở con đường trên mặt biển này. Đi hết con đường cầu trên biển, bắt đầu đi trên con đường ở trên đỉnh núi, hai bên là ngọn núi, nhìn xuống dưới chân núi là thung lũng, thành phố, nhà máy - đúng là đi trên biển, trên núi để đến Kyoto. Trên trời mấy tuyến đường, dưới lòng đất mấy tuyến đường, ở giữa lại là những tuyến đường, đan xen với sự hiện đại là những ngôi nhà cổ, những phố cổ, được gìn giữ rất cẩn thận. Tất cả đều sạch như lau như ly. 

Một lần đang đi trên đường con gái tôi bỗng đố tôi: Con đố mẹ người Nhật trong túi có gì? Tôi ngớ ra không trả lời được, con nói trong túi có rác mẹ ạ. Đúng rồi, trong túi tôi cũng đang có mấy cái giấy kẹo. Tuyệt nhiên không ai dám vứt một mẩu rác bé tí xuống đường, phải đi đến chỗ có thùng rác mà là thùng rác đã phân loại sẵn, thùng đựng giấy vụn, thùng đựng các loại hộp giấy lớn, thùng đựng chai lọ, đựng ni lông, không vứt lộn xộn được. Tất cả không ai bảo ai đều tuân thủ tự giác đúng như vậy.

Nhớ Hà Nội xưa  ảnh 3

Họa sĩ Nguyễn Thị HIền chụp ảnh lưu niệm cùng mẹ con người Nhật

Sẽ thật là xấu hổ nếu đánh rơi một mẩu giấy ra đường mà không cúi xuống nhặt, sẽ có người khác nhặt hộ ngay, mà bản thân cũng phải cúi xuống nhặt ngay lập tức. Tự mình thấy cần thiết phải như vậy bởi chỉ một mẩu giấy nhỏ rơi xuống đường thôi sẽ hiện lên mồn một, giữa đường phố sạch trơn và ai cũng nhìn thấy ngay. Dù có là người bừa bộn tùy tiện đến đâu, đến đây mọi người bỗng khác. Tất cả đều vui vẻ, thoải mái trong sự trật tự ngăn nắp, sạch sẽ tự nguyện của mình. 

Ngoài phố đan xen nhà mới hiện đại và những khu nhà cổ, nhiều người mặc kimono đi trên phố, đi thăm danh lam thắng cảnh, đi chùa. Học sinh mặc đồng phục đeo cặp sách cũng đi hàng đoàn thăm di tích và đi chùa. Quanh khu vực nhà chùa hay danh lam thắng cảnh xa xa có quầy bán đồ lưu niệm, không thấy treo lủng lẳng thịt chó, thịt gà, vịt, thịt lợn, thịt hươu, nai, thú rừng, ăn uống ì xèo ngay trước cổng chùa như ở một số chùa của ta, người vào viếng không nói to, đi lại nhẹ nhàng, im lặng thành tâm khấn trong lòng, không thấy xuýt xoa, xì xụp, nhang khói mịt mù chen chúc như ở ta, tất cả xếp hàng lần lượt đi, dù người đông nghìn nghịt.

Có một dịch vụ rất sôi nổi, đó là những hiệu cho khách du lịch khắp nơi thuê kimono. Đàn ông xúng xính trong bộ quốc phục Nhật Bản, đàn bà Kimono các loại hoa màu rực rỡ hay trầm lắng đi lúp xúp bên cạnh, trẻ con trai gái mặc kimono đẹp như những bông hoa. Tôi nhớ có một hôm đang đi trên đường bỗng thấy một cô gái mặc áo kimono đen tuyền, chân đi tất trắng xỏ vào đôi hài truyền thống của Nhật, tóc búi cao, cài trâm dáng cao thanh mảnh khiến ai cũng ngẩn ngơ. Lại nghĩ sao Hà Nội lại không có cửa hàng cho thuê áo dài cho khách du lịch nhỉ, vừa giới thiệu được trang phục truyền thống, vừa làm đẹp thành phố. Biết đâu trong những đoàn khách du lịch sang Việt Nam lại chẳng có người đuổi theo một bóng hồng xinh đẹp trong tà áo dài thướt tha để đến khi về nước rồi, vẫn còn ngẩn ngơ tiếc nuối và muốn trở lại.

Đi đâu, ở đâu cuối cùng vẫn nhớ đến Hà Nội. Nhớ những nếp nhà cổ xưa, những món ăn, những đồ chơi xưa cũng dần biến mất thay bằng sự pha trộn bún riêu, bún ốc cho thịt bò viên, bát phở, bát bún chả tràn đầy thịt. Sự giàu có được phô ra quá đà, chuộng những gì du nhập, mới lạ mà quên mất những gì mà chúng ta đã từng có, thờ ơ, không gìn giữ để dần biến chất hoặc biến mất.

Có lẽ tôi quá yêu Hà Nội - Hà Nội tuổi thơ của tôi. Hà Nội tình yêu và sự nghiệp của tôi mà tôi bắt đầu từ nơi ấy, bạn bè, các em, các cháu tôi ở đây. Cầu mong Hà Nội phát triển hiện đại vượt bậc nhưng vẫn giữ được sự tinh túy, thanh lịch, cổ truyền, đừng vội đánh mất những gì đã có, mà giữ mãi được nét đẹp muôn thuở của Hà Nội, để mãi là một Hà Nội văn hiến ngàn xưa trong trái tim mỗi chúng ta.

TP Hồ Chí Minh - Mùa Giáng sinh 2015.