Nhớ bố ở hải đảo, con ở nhà gắng học thật tốt

ANTĐ - Ngày 17-9, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức một buổi gặp mặt ấm áp với con em của các cán bộ chiến sỹ đang công tác trên quần đảo Trường Sa. Có mặt trong buổi gặp này là 87 gương mặt hồn nhiên nhưng cũng có nét chững chạc trước tuổi bởi các em đều sớm tự lập, biết đảm đương việc nhà giúp mẹ…

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ trao quà
cho em Nguyễn Lê Huy - con chiến sỹ Trường Sa

“Bố cứ yên tâm làm nhiệm vụ”

Nguyễn Lê Huy, học sinh lớp 6 trường THCS Sài Đồng, quận Long Biên, có bố là chiến sỹ Nguyễn Quang Dũng, đang làm nhiệm vụ nơi quần đảo Trường Sa. “ Cứ vài tháng bố em mới được về thăm nhà. Mỗi lần bố về, em vui lắm vì sẽ có quà. Cả gia đình ấm áp, đầy đủ. Bố về nhà là lại giúp mẹ và em nấu cơm, cùng em trông em. Những lúc đó, em thấy rất hạnh phúc” - Nguyễn Lê Huy tâm sự. Muốn gửi lời nhắn tới bố nhân dịp được gặp mặt, tặng quà tại Sở GD-ĐT Hà Nội, cậu bé 11 tuổi rắn rỏi: “Bố cứ yên tâm công tác. Ở trường con luôn là học sinh giỏi, ở nhà con đã biết giúp mẹ nấu cơm, giặt quần áo, lau nhà… Con sẽ giúp mẹ nhiều việc nữa bố ạ!”. Có lẽ trong mắt Huy, hình ảnh bố nơi hải đảo là hình ảnh đẹp nhất: “Em sẽ trở thành bộ đội giống bố em để bảo vệ đất nước yên bình!”.

Trầm tĩnh, tự tin, Hoàng Thị Hải Yến, học sinh lớp 12A7 trường THPT Yên Viên cho biết, bố em, Thiếu tá Hoàng Viết Lâm đang nhận nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa. “Bố em thường xuyên vắng nhà từ khi em mới 1 tuổi. Mỗi năm bố chỉ về thăm nhà được 1, 2 lần. Mọi công việc trong gia đình đều do mẹ lo lắng” - Hải Yến cho biết - “Đôi lúc em cũng thấy chạnh lòng khi thấy các bạn cùng trang lứa được sự quan tâm chăm sóc hàng ngày của cả bố và mẹ. Các bạn không phải lo những nỗi lo như chúng em”.

 Nỗi lo đấy ai cũng hiểu bởi khi có người thân đang công tác nơi tiền tiêu, tuyến đầu của Tổ quốc thì người ở hậu phương chẳng lúc nào yên tâm. “Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khi thấy trên truyền hình tàu Trung Quốc hung hăng đâm va vào tàu Cảnh sát biển và tàu cá Việt Nam, gia đình rất lo lắng vì hàng ngày bố phải đối mặt với nguy hiểm. Nhưng với sự chia sẻ của thầy cô, người thân, mọi người trong gia đình em luôn tự nhủ phải vượt qua khó khăn, lo lắng, động viên bố yên tâm công tác vì bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng, rất đáng tự hào”. Với đời sống kinh tế khó khăn chung, lại thêm sự thiếu vắng người cha, gia đình Yến và Long chắc chắn vất vả. “Năm nay em lên lớp 12, sẽ phải trải qua nhiều kỳ thi quan trọng, em sẽ cố gắng học tập thật tốt, thi đỗ vào Học viện Báo chí tuyên truyền, đáp lại sự mong mỏi của bố mẹ, thầy cô” - Hoàng Thị Hải Yến chia sẻ.

Chung sức vì biển đảo

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, hiện 24 trên 30 quận, huyện của Hà Nội có học sinh là con em cán bộ chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Đây là những gia đình có đóng góp lớn cho sự bình yên của Tổ quốc. “Với mong muốn bày tỏ tình cảm biết ơn của hậu phương với những người con trung hiếu đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương, ngành giáo dục Thủ đô đã tổ chức buổi gặp mặt, tặng quà các em học sinh là con em cán bộ chiến sỹ đang công tác trên quần đảo Trường Sa” - ông Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Ngành giáo dục Thủ đô cũng có nhiều cô giáo đang tự vượt qua khó khăn để hoàn thành công việc khi có chồng là cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vừa hoàn thành nhiệm vụ của người giáo viên, vừa phải đảm đương vai trò của người mẹ và cả người cha khi chồng thường xuyên phải đi công tác, cô giáo Hoàng Thị Thu Hường, trường Tiểu học Phương Mai cho biết, cô phải thay chồng làm việc nhà, từ bảo ban con đến sửa cái quạt, đóng cái đinh… Nghĩ đến chồng đang công tác tại một nơi đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn, tôi tự nhủ mình phải vượt qua” - cô Hường chia sẻ. Những người mẹ, người vợ như cô đều “mong cho Tổ quốc luôn được bình yên để những người vợ có chồng đi công tác ngoài hải đảo như tôi sớm được sum họp”.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Độ, cùng chung sức vì biển đảo,  nhiều hoạt động thiết thực đã được ngành GD-ĐT Hà Nội triển khai. Các đơn vị trực thuộc ngành ủng hộ hơn 600 triệu đồng, trong đó dành tặng 100 triệu đồng ủng hộ các gia đình Cảnh sát biển có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ 250 triệu đồng cho quỹ Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa… “Riêng khối quận huyện, ngành giáo dục nộp trực tiếp cho Ủy ban MTTQ TP hơn 4 tỷ đồng vì biển đảo” - ông Nguyễn Hữu Độ cho biết. Những bài học sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, những tấm gương người thật việc thật… như gia đình của 87 học sinh Hà Nội có cha là cán bộ, chiến sỹ công tác ở quần đảo Trường Sa hôm nay luôn là lời nhắc nhở về lòng yêu nước, sự đoàn kết, sẻ chia của thầy và trò Thủ đô với biển đảo quê hương.