Nhờ biện pháp tự vệ, giá thép tăng

ANTĐ - Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài của Bộ Công Thương được xem là một trong những nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng trong những ngày qua. Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp thép cho rằng, giá bán mới vẫn thấp hơn so với giá bán trung bình của năm 2015.

Nhờ biện pháp tự vệ, giá thép tăng ảnh 1

Quyết định của Bộ Công Thương giúp doanh nghiệp thép Việt Nam có cơ hội cạnh tranh
bình đẳng

Tăng giá 3%

Ông Trần Tuấn Dương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát cho biết, giá thép tăng trong những ngày qua do nhiều nguyên nhân. Do giá nguyên liệu thép trên thế giới đang đà tăng mạnh nên thép thành phẩm nhích giá lên là điều dễ hiểu. Thêm vào đó, trước đây Trung Quốc bán phá giá, thép Trung Quốc vào Việt Nam có giá rất rẻ nên để cạnh tranh, giữ thị phần, doanh nghiệp thép trong nước đã phải giảm giá rất sâu.

Vì vậy, với mức giá hiện tại tăng khoảng 3% thì so với mặt bằng chung của năm 2015, mức giá mới vẫn thấp hơn. Thông tin từ một số doanh nghiệp lớn trong ngành thép như Công ty cổ phần Thép Việt (Pomina), Công ty TNHH một thành viên thép miền Nam (VNSteel) cũng cho hay, giá thép đã tăng trong những ngày qua. Lượng hàng xuất bán tăng lên gấp đôi so với trước đó, bởi nhiều đại lý lớn tranh thủ nhập hàng trước khi giá biến động hơn nữa. 

Khảo sát tại đại lý vật liệu xây dựng trên phố Minh Khai (Hà Nội) cho thấy, tiêu thụ thép vẫn diễn ra bình thường, chưa thấy dấu hiệu tăng đột biến.

Anh Nguyễn Văn Tùng - nhân viên bán hàng của đại lý này cho biết: “Tôi nghe nói giá thép sẽ tăng trong những ngày tới. Chủ cửa hàng đang tính toán nhập thêm hàng trước khi tăng giá mạnh, nhưng nhập lượng bao nhiêu thì còn xem xét, tính toán dựa trên nhu cầu tiêu dùng. Giá bán lẻ thép chỉ nhích lên nhẹ trong vài ba ngày gần đây vì đại lý vừa điều chỉnh giá, vừa phải nghe ngóng phản ứng của khách hàng”.

Chờ đợi tín hiệu vui

Theo quyết định của Bộ Công Thương, mức thuế tạm thời đối với phôi thép là 23,3%, thép dài (thép cuộn và thanh) là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Trong khi trước đó, thuế nhập khẩu đối với phôi thép là 10%, thép dài 0%-5%. Thuế nhập khẩu tăng mạnh sẽ khiến giá thép nhập từ các thị trường, đặc biệt là từ Trung Quốc tăng lên. Khi đó, doanh nghiệp thép Việt mới có cơ hội cạnh tranh bình đẳng.

Mặc dù đến ngày 22-3 quyết định của Bộ Công Thương mới có hiệu lực, nhưng sức ảnh hưởng của biện pháp này đã phát huy tức thì. Ông Trần Tuấn Dương cho rằng, quyết định của Bộ Công Thương là cần thiết, hợp lý, phù hợp với các cam kết quốc tế và bảo vệ được ngành sản xuất trong nước. 

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, áp dụng biện pháp tự vệ là cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất này. Đại diện VSA thông tin, năm 2015, lượng thép dây và thép cuộn nhập về Việt Nam đạt hơn 1,62 triệu tấn, trong khi sản xuất trong nước thấp hơn con số này, chỉ có 1,13 triệu tấn. Riêng tháng 1-2016, số lượng sắt thép các loại nhập khẩu là hơn 1,49 triệu tấn, trong đó thép từ Trung Quốc ước đạt hơn 922.600 tấn. 

Số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, nếu như năm 2013, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam là 348.872 tấn thì đến năm 2014 tăng lên hơn 592.000 tấn (tăng 69,7%). Sang năm 2015, con số này tăng lên mức 1,88 triệu tấn, tăng tới 218% so năm trước và 440% so năm 2013.

Đối với thép dài, con số tăng trưởng hàng nhập khẩu cũng ở mức kỷ lục, từ hơn 387.000 tấn năm 2012 lên tới 1,28 triệu tấn trong năm 2015. Tăng thuế nhập khẩu sẽ góp phần hạn chế lượng hàng giá rẻ này đổ vào thị trường Việt Nam, chặn lại thời kỳ lao đao của các doanh nghiệp thép Việt Nam. 

Tính toán của các doanh nghiệp cho thấy, năm 2016, tiêu thụ thép sản xuất trong nước sẽ khởi sắc hơn so với năm 2015. Với dự báo GDP tăng gần 7%, công nghiệp xây dựng tăng hơn 10% thì tiêu thụ thép các loại dự kiến ít nhất tăng 10%. Quan trọng hơn, giải pháp của Bộ Công Thương sẽ giúp doanh nghiệp thép nội ổn định về mặt sản xuất.