Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo Thủ đô (3-3-1949/3-3-2014)

“Nhịp thở đời sống mách bảo ta nhiều điều…”

ANTĐ - Từng là một nhà báo yêu nghề, ngòi bút xông pha trên mọi mặt trận từ trong chiến sự đến khi đất nước hòa bình, trải qua nhiều thử thách trong lao động báo chí từ phóng viên, biên tập viên đến Tổng Biên tập, nhà báo Hồ Quang Lợi hiện nay là Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy  Hà Nội đã có những chia sẻ thẳng thắn và chân thành về nghề báo và công việc của người làm tuyên giáo. 

Công việc đầy thú vị

-  PV: Là một người yêu nghề báo, từng kinh qua nhiều vị trí chuyên môn trong lao động báo chí, xin ông cho biết cảm nhận của mình khi chuyển sang đảm trách công tác tuyên giáo của Thủ đô? 

-  Đồng chí Hồ Quang Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Tôi vào nghề báo cách đây 35 năm và đã trải qua hầu hết các công việc khác nhau trong lao động báo chí. Nếu đúng nguyện vọng cá nhân thì tôi muốn theo đuổi nghề báo đến cuối đời vì đó là nghề mà tôi gắn bó máu thịt. Nhưng khi được giao nhiệm vụ tuyên giáo thì tôi chỉ có một suy nghĩ, đó là phải dốc toàn bộ tâm lực để tiếp cận, làm chủ công việc một cách nhanh nhất và cố gắng hoàn thành.

- Từng là Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới ông thấy giữa công việc của một Tổng Biên tập với công việc của Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy có mối liên hệ nào không?

-  Tôi nghĩ quá trình làm báo 35 năm thực sự là quãng thời gian vô cùng quý báu, hỗ trợ rất đắc lực cho tôi trong công việc tuyên giáo hiện nay. Vì xét cho cùng báo chí là một mảng rất quan trọng của công tác tuyên giáo và chính lao động báo chí đã giúp tôi rèn luyện thử thách về bản lĩnh, khả năng ứng phó với những tình huống nảy sinh, khả năng nắm bắt, tổng hợp, phân tích, nhận định, dự báo được tình hình… Mà dự báo tốt thì mới có thể tham mưu đúng. Hơn nữa, viết vốn là công việc đặc thù của báo chí thì lại rất cần đối với người làm công tác tuyên giáo. Bởi vậy tôi thấy giữa lao động báo chí với công việc tuyên giáo hiện giờ, giữa vị trí Tổng Biên tập với vị trí Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy không có gì mâu thuẫn với nhau cả, thậm chí còn bổ sung, hỗ trợ cho nhau rất hiệu quả.

- Nhiều người nghĩ rằng tuyên giáo là một công việc lý luận khô khan và cứng nhắc nhưng nghe những chia sẻ của ông, có thể thấy công việc này cũng đầy thú vị?

- Tôi rất tâm đắc với bài thơ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc viết tặng tôi và những người làm công tác tuyên giáo trong đó có câu“Biết dân nghĩ gì cái mới sẽ đơm hoa”. Bản thân công tác tuyên giáo đâu có khô khan. Tuyên giáo mà bắt nhịp được với hơi thở của đời sống đang sôi động thì làm sao mà khô khan được. Nhưng nếu tuyên giáo không khắc phục được bệnh giáo điều, xơ cứng thì không những không tránh khỏi khô khan mà có thể còn mắc sai lầm. Chính vì thế mà toàn ngành tuyên giáo Thủ đô đã thống nhất thực hiện đúng phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thuyết phục, hiệu quả”. Nhịp thở đời sống mách bảo ta nhiều điều…

 - Người ta hay hình dung làm công tác tuyên giáo là chỉ đạo định hướng dư luận thông qua báo chí nhưng thực ra không chỉ có vậy, xin ông cho biết rõ thêm về các mảng hoạt động khác trong công việc này?

- Công tác tuyên giáo bao gồm: chính trị - tư tưởng, văn hóa - xã hội, văn học - nghệ thuật, khoa học - giáo dục, báo chí - xuất bản - truyền thông, lịch sử, dư luận xã hội… Đó là các hoạt động tạo dựng và làm phong phú đời sống tinh thần, nhận thức, tâm hồn, cốt cách của xã hội. Với tầm bao quát rất rộng như thế, đòi hỏi người làm công tác tuyên giáo phải nắm sâu từng mặt được phân công để có thể tham mưu đúng. Tôi muốn nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, việc nắm bắt dư luận xã hội rất cần thiết. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã xây dựng một hệ thống cộng tác viên nắm bắt dư luận xã hội từ thành phố xuống đến cơ sở. Nhờ vậy mà những thông tin nhận được về dư luận xã hội luôn rất sát thực, từ đó phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố ngày một tốt hơn, đáp ứng  mong đợi của người dân. Mà bao giờ cũng vậy, mức độ hài lòng của người dân chính là thước đo hiệu quả của mọi chính sách kinh tế, xã hội cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy công quyền.

Phóng viên xông pha để có thể đưa đến bạn đọc cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống

Báo chí hãy chú trọng tôn vinh

- Trên cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, xin ông cho biết vài nét về bức tranh báo chí trong giai đoạn hiện nay?

- Trong những năm qua, báo chí có đóng góp rất quan trọng vào đời sống xã hội, nhất là trong hoàn cảnh đất nước vừa có cơ hội lại vừa phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên cũng phải cảnh báo thẳng thắn rằng một bộ phận báo chí hiện nay đang tập trung quá mức vào phản ánh những mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội, vẽ nên một  bức tranh rất u tối mà nếu chỉ đọc những tờ báo đó, không nhìn vào thực tế đời sống xã hội thì sẽ có cái nhìn rất phiến diện, thậm chí sai lầm. Báo chí phải có trách nhiệm cung cấp thông tin một cách hài hòa giữa “chống” và “xây”, trong “chống” cũng phải lấy mục đích chính là “xây” mới được. Báo chí có một sứ mệnh hết sức thiêng liêng và cao cả, đó là cho dù trong bất cứ trường hợp nào, thậm chí hết sức khó khăn, vô cùng hiểm nghèo cũng phải  chú trọng xây dựng niềm tin để con người hướng đến những gì sáng sủa, tốt đẹp hơn. Hết sức tránh làm cho xã hội ly tán, bi quan và thất vọng. Vì thất vọng và bi quan là triệt tiêu toàn bộ sức mạnh, nếu gặp khó khăn thì không thể nào vượt qua, tình hình ngày càng xấu hơn, rất dễ dẫn tới rối ren, đổ vỡ. Bài học từ nhiều nước động loạn thời gian qua đã cho thấy rõ điều đó.

- Vậy theo ông, để làm được điều này, những người làm báo cần phải giữ gìn và phát huy phẩm chất gì?

-  Những người làm báo cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình là thực hiện quyền được cung cấp thông tin của xã hội thông qua báo chí. Đó là sứ mệnh hết sức nặng nề và cao cả. Đồng thời với tăng cường chống tiêu cực, tham nhũng, tôi muốn nhấn mạnh báo chí cần chú trọng hơn việc phát hiện và tôn vinh cái tốt, cái đẹp, những gương điển hình tiên tiến vì đó mới là mặt chính, mặt nổi trội trong đời sống xã hội chúng ta. Càng bị hối thúc, càng chịu nhiều áp lực, con người  càng cần những chốn bình yên. Bình yên cho xã hội, bình yên dưới những nếp nhà, bình yên trong tâm hồn mỗi con người. Không gì có thể  thay thế được báo chí và văn học nghệ thuật trong công việc đầy ý nghĩa nhân văn ấy. 

- Với tư cách một người làm báo nay là người lãnh đạo công tác tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đồng chí có nhận xét gì về báo chí Hà Nội nói chung và Báo An ninh Thủ đô nói riêng? 

- Hà Nội bây giờ có một đội ngũ báo chí ngày càng hùng hậu với nhiều tờ báo ngày càng xác lập được vị trí mạnh mẽ hơn, có uy tín hơn trong dư luận xã hội không chỉ trên địa bàn  Thủ đô mà trong cả nước. Nhìn chung báo chí Hà Nội đã và đang thực hiện đúng chức năng là cầu nối giữa Đảng với dân, lan tỏa trong đời sống những thông tin tích cực lành mạnh để hướng mọi người đến “chân -thiện - mỹ”. Tuy nhiên, bên cạnh đó báo chí Hà Nội vẫn còn chưa khắc phục được nhược điểm là tính hấp dẫn chưa cao, nhiều tờ báo “lành” quá, thiếu tính phát hiện, tính phản biện và tính chiến đấu. 

Trong số những tờ báo ở Hà Nội được dư luận xã hội đánh giá cao, giữ vị trí chắc chắn trong lòng bạn đọc có Báo An ninh Thủ đô. Tờ báo này đã có ảnh hưởng vượt ra ngoài khuôn khổ báo ngành của một thành phố trên lĩnh vực an ninh, trở thành tờ báo có ảnh hưởng xã hội rõ rệt do thông tin kịp thời, đúng mực và sinh động về mọi mặt của đời sống. Nhờ sự năng động của đội ngũ những người làm Báo An ninh Thủ đô mà các vấn đề được truyền tải trên các ấn phẩm cũng như các phương tiện khá hấp dẫn, tạo được sức hút. Bên cạnh thành công về mặt nghiệp vụ, Báo An ninh Thủ đô cũng tham gia các hoạt động từ thiện xã hội rất tốt. Điều đáng nói là các hoạt động từ thiện xã hội này không chỉ dừng lại trên địa bàn Hà Nội mà còn vươn tới nhiều vùng miền trong cả nước, gây được thiện cảm không chỉ cho riêng Báo ANTĐ mà cho cả báo chí Hà Nội. Không chỉ vậy, đây là một tờ báo có những nỗ lực vượt bậc để tự chủ về tài chính khá vững chắc, đảm bảo, cải thiện đời sống của người làm báo. ANTĐ là một trong số không nhiều tờ báo hiện nay được bán trên sạp mà nhiều bạn đọc tìm mua.

 Tuy nhiên, đời sống báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó cạnh tranh báo chí ngày một quyết liệt, nhất là cạnh tranh của các phương tiện truyền thông, báo điện tử với báo in là rất lớn. Vì vậy để tờ báo tiếp tục thành công thì đội ngũ những người làm Báo An ninh Thủ đô cần không ngừng sáng tạo để tìm ra cách làm mới hiệu quả hơn. 

- Xin cảm ơn và chúc ông sức khỏe, thành công!