Nhìn từ một đêm hầu đồng

ANTĐ - Lên đồng là diễn xướng dân gian độc đáo nhất của Việt Nam. Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đang nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO công nhận hầu đồng là di sản phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, do tác động của lối sống thực dụng, hình thức hầu đồng hiện nay đang có nhiều biến tướng, xuất hiện nhiều trò “buôn thần bán thánh”, làm mất đi những giá trị tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy.

Một đêm đi dự hầu 

Ngày 12-2 Quý Tỵ, nhận lời mời của một thanh đồng trẻ, chúng tôi về dự hầu ở đền Đồng Bằng (làng Đào Động, An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình). Sáu giờ tối, trời đất nhập nhoạng, ngôi đền lộng lẫy hiện lên trong thế giới hầu bóng. Xem nhiều vấn hầu đang diễn ra tại đây, chúng tôi cố tìm một vấn đồng truyền thống mẫu mực. Nhưng đa số là các vấn đồng tân thời. Thanh đồng ăn vận theo lối cách tân, mặt hoa da phấn, hàng mi giả cong cớn nhảy theo tiếng nhạc xập xình. Nhảy một hồi, thanh đồng mệt quá ngồi phệt ra đất, tay cầm quạt phành phạch, mồ hôi làm mascara mắt chảy lem nhem đen đúa. Chắc nhìn thấy cảnh ấy, thánh thần cũng hồn bay phách lạc. 

Thật may mắn, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy một vấn hầu theo lối cổ truyền. Ấy là vấn hầu của thanh đồng Hoàng Hương, ngay giữa cung đại bái, lúc cung văn cất lên lời ca tiếng hát, cũng là lúc bước chân thánh thần của thanh đồng Hoàng Hương xuất hiện. Toàn bộ 12 giá hầu đồng gói gọn trong không gian của một chiếc chiếu hầu. Bên trong chiếc chiếu ấy là cả thế giới thu nhỏ với đầy đủ những hạnh phúc, bi ai… của đời người. Nhập đồng trọn vẹn 12 giá, giá nào thanh đồng Hoàng Hương cũng thể hiện sắc nét cảm xúc của các thánh thần từ nét mặt đến cử động trên từng ngón tay. Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong đoàn chúng tôi lặng đi trước giá cô bơ chèo thuyền buồn thảm trên sông. Hai mươi năm nay, nhà nghiên cứu tín ngưỡng Việt Nam ấy mới gặp lại một vấn hầu đồng hay đến thế. Ở giá đồng này, tinh thần nhập đồng được biểu hiện rõ rệt, thanh đồng thăng lên trong tiếng nhạc dập dìu. Khi thì nét mặt uy nghi, đôi ngài xếch ngược hùng dũng, đôi tay vung đao múa kiếm xung trận trong giá Tuần Tranh, khi thì đôi mắt long lanh, đong đưa trong giá cô đôi ban lộc cho người mua may bán đắt, lúc lại rộn ràng trong điệu múa với ánh mắt đưa tình của chầu thượng ngàn… 

Sự nhập thần của thanh đồng Hoàng Hương đã cho tôi, một người trẻ thuộc thế hệ 8X thấy tín ngưỡng hầu bóng xuất phát từ cái tâm kính ngưỡng các anh hùng đã thánh hóa. Các con nhang đệ tử đến đây như một nhu cầu tìm về với thế giới tâm linh để cầu bình an, thanh thản và đắm say trong những làn điệu dân ca cổ. Hai giờ sáng, lễ hầu bóng kết thúc, trải qua một đêm dài nhưng không ai có dấu hiệu mỏi mệt bởi tất cả đều thỏa lòng với một bữa tiệc văn hóa tâm linh.

Hầu đồng vẫn đang tồn tại rộng rãi trong đời sống tâm linh người Việt như một hiện tượng văn hóa phổ biến. Nó tồn tại khắp nơi cùng với hơn 7.000 điểm thờ Mẫu trải dài từ Bắc vào Nam. 

Cần loại bỏ những hình thức biến tướng

Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng thuần Việt đã tồn tại hàng trăm năm. Đến nay, tục thờ Mẫu vẫn là một phần quan trọng của đời sống văn hóa tâm linh dân tộc. Tín ngưỡng thờ Mẫu có nghi lễ chính là hầu bóng hay còn gọi là lên đồng, mà trong đó chầu văn, một loại hình dân ca, chính là nhạc lễ. Loại hình diễn xướng dân gian này khơi dậy gần như tất cả niềm tin vào quá khứ hào hùng, niềm tin vào những anh hùng đã được thánh hóa của người Việt cổ xưa. Ở đó, không chỉ là phần lễ nghi mà còn là sự tổng hòa của phần tín lý trong vũ đạo đầy tính ước lệ và âm nhạc sống động, gần gũi của điệu hát chầu văn. Cả thế giới di sản của người Việt xưa như sống lại trong một không gian thánh thần chỉ vẻn vẹn chưa đầy 4m2 của chiếc chiếu hầu. 

Bên cạnh những giá trị văn hóa thực sự thì hiện nay vẫn còn tồn tại những hình thức hầu đồng mang nặng tính mê tín dị đoan. Nhiều thanh đồng lợi dụng việc nhập thánh, phán truyền, lấy tàn hương, nước thải hoặc các vật làm lễ hóa nước thánh để chữa bệnh, ban phát tài lộc, trừ ma, yểm bùa. Để được các thứ nước “thánh” ấy thì người đi dự hầu phải bỏ ra một số tiền tương ứng, có khi lên đến vài triệu đồng mới có thể được “thánh ban” lộc. Trong những vấn hầu mà chúng tôi dự ở đền Đồng Bằng và đền thờ các vua Trần ở Hưng Hà Thái Bình, chúng tôi đã chứng kiến không ít con nhang đệ tử dâng tiền lên thanh đồng để xin số đề, xin được vận may trong cờ bạc ở giá ông Hoàng Bảy. Theo tục truyền Hoàng Bảy là vị thánh chủ về cờ bạc có nơi phát tích là ở Bảo Hà (Lào Cai), chính vì vậy những ai ham mê cờ bạc đều dâng lễ để mong vị vua này phán cho con đề, số lô trong một khoảng thời gian hầu giá. 

Không những thế, hiện nay biến tướng của hầu đồng Trần Triều cũng gây nhiều tranh cãi. Ở Kiếp Bạc, Hải Dương, có lần tôi đã từng tận mắt chứng kiến một thanh đồng vận áo đỏ, tay cầm một dải lụa hồng thắt chặt vào cổ xiết mấy vòng rồi buộc chặt ngang bụng. Bỗng nhiên, mặt thanh đồng tái xanh, tái xám, bước đi loạng choạng chẳng khác nào quỷ nhập thần. Nhiều người yếu bóng vía không dám nhìn cứ chắp tay vái lạy và khấn lầm rầm. Một lát, thanh đồng rút ra một xiên lình sáng loáng. Miệng ngậm rượu rồi phun phù phù vào cây xiên làm phép. Cứ thế, thanh đồng dùng cây xiên lình dùi  thẳng vào má phải, xuyên qua má trái, lấy một quả cau đâm vào cái đầu nhọn ở xiên lình. Thanh đồng cứ giơ tay khoa một nắm hương đi giật lùi từng bước như một người không biết đau đớn là gì cả!

Lạ thay không có giọt máu nào chảy ra. Nhưng không lâu, thanh đồng rú lên một tiếng, lưỡi thè ra, mắt trợn ngược, rồi thanh đồng ấy dùng một con dao nhỏ rạch vào lưỡi một đường dọc. Đàn sáo, cung văn đang dồn dập bỗng lặng ngắt như tờ. Có người bưng chiếc khay phủ đầy giấy bản lên trước điện. Thanh đồng chúm miệng phun phì phì... ra một thứ nước đỏ loét phủ hết mâm giấy. Theo chị Lan (Hà Nội) về đây dự lễ chỉ mong “xin” được giấy bản làm bùa đó mang về đốt ra tro, hòa với nước lã cho chồng uống là có thể chữa được bệnh ung thư. Đây là lối hầu đồng thường thấy trong các vấn hầu Đức Thánh Trần.

Ngạc nhiên nhất là trong lần dự hầu này, chúng tôi còn chứng kiến một thanh đồng nói tiếng Trung Quốc liến thoắng và không quên nhắc nhở các con nhang đang cúi dập đầu dưới kia những điều hoàn toàn nhảm nhí.

Tại các khu đền, miếu - nơi thường diễn ra lễ diễn xướng trình đồng, nhưng ở nhiều nơi công tác quản lý có nhiều chuyện cần phải bàn, thậm chí nhiều nơi còn “bật đèn xanh” cho những giá đồng biến tướng hoạt động, làm giảm đi giá trị văn hóa của hầu đồng. Trong một buổi dự hầu ở đền Đồng Bằng, sự phân biệt “đồng sang”, “đồng nát” được thể hiện rõ rệt. Có vấn hầu lên tới bạc tỉ, mỗi lần thánh phát lộc, số tiền tung ra cả triệu bạc, những tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng tung bay tứ phía khiến người lớn, trẻ con nháo nhào nhảy chồng lên nhau để giành giật. Rồi không ít chuyện buôn thần bán thánh, chữa bệnh kiếm tiền, phía ban quản lý khu đền miếu đều biết cả nhưng coi đó là chuyện bình thường. 

Tất cả những điều ấy phản ánh mặt trái vẫn đang còn tồn tại trong giới hầu bóng, làm mất đi những giá trị linh thiêng vốn có của tín ngưỡng thờ Mẫu. Để bảo tồn giá trị của hầu đồng cần phải có các quy định cấm các loại hầu đồng phán truyền, cần sớm nghiên cứu phổ biến các giá đồng mẫu, các quy định cho các cơ sở tôn giáo về tổ chức hầu đồng, phân loại hầu lành và hầu vi phạm, tạo điều kiện cho những vấn hầu đồng cổ truyền phát huy được những giá trị văn hóa và tâm linh.

GS. TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: Việc quản lý hầu đồng đang bị thả nổi

Nhìn từ một đêm hầu đồng  ảnh 2

Hàng loạt ông bà đồng bị bắt, bị tịch thu đồ nghề, nhưng cấm thế nào vẫn không được vì đó thực sự là nhu cầu trong nhân dân. Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội phát triển hiện nay thì tín ngưỡng, nghi lễ này lại có cơ hội phát triển. Vào tháng 3 Âm lịch, có thể tính được hàng trăm cuộc lên đồng mỗi ngày ở Hà Nội, Huế, TP.HCM... Có điều, trong xu thế bung ra này, khá nhiều mục đích là vì tiền. Đạo Mẫu và nghi lễ lên đồng vốn không có gì tiêu cực nhưng đang bị người ta lợi dụng. Nhưng dù vậy, không thể vì nó bị lợi dụng mà muốn xóa bỏ nó, chúng ta vẫn cần nhìn nhận đúng đắn về các giá trị tích cực của tín ngưỡng và nghi lễ này. Tôn giáo, tín ngưỡng đều hướng thiện, không cái nào muốn làm cái xấu, cái ác mà chính con người làm cho nó tồi tệ đi. Việc quản lý lên đồng đang bị thả nổi, càng thả thì người ta càng lợi dụng. Bởi vậy, giải pháp quan trọng hiện nay là phải đưa vào khuôn phép, Nhà nước nên quản lý và tạo hành lang để nó phát triển, phát huy các giá trị tốt đẹp.