Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Nhìn thẳng vào thực tế không phải để chán nản

ANTĐ - Mùa lễ hội bắt đầu cũng là thời điểm những câu chuyện cũ như tắc đường, tắc đò, chen lấn xô đẩy, trộm cắp móc túi, chặt chém du khách, tiền lẻ rải di tích... tái diễn, dù trước đó, đầy đủ các biện pháp quản lý đã được đặt ra. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo chia sẻ thẳng thắn cùng An ninh Thủ đô xung quanh những tiêu cực trong mùa lễ hội.

Tiền đô lẻ cũng được mang trưng bày trong chùa

Không phải cứ đi lễ là có tiền tài, địa vị

- PV:  Thưa ông, đã từng có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm quản lý hoạt động lễ hội, nhưng cho đến nay vẫn cứ lệch chuẩn. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn: Tại sao lại có biểu hiện lệch chuẩn? Mấy hôm nay, ngày nào tôi cũng đọc báo theo dõi thông tin về lễ hội. Rất thất vọng khi thấy báo chí phản ánh tình trạng lễ hội toàn là chặt chém, ùn tắc rồi thậm chí có cả ẩu đả dẫn đến chết người. Nghiên cứu về lễ hội, tìm ra giải pháp để quản lý các hoạt động lễ hội từ rất lâu rồi chúng ta đã bàn, đã làm. Thế nhưng, theo tôi, các nghiên cứu đều… không trúng. Tôi phải nói thẳng thế này, trong một bộ phận giới nghiên cứu lâu nay vẫn tồn tại một thói quen cực xấu là cóp nhặt từ người này sang người kia mà không có phê phán, có điều tra của riêng mình. Vì thế không thể có lời giải tương đối gần sự thật nhất. Cho nên tôi thấy, điều cần nhất để đưa lễ hội vào đúng chuẩn là các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu không phải chỉ ngồi lại với nhau, mà phải làm việc thực sự cùng nhau. Truyền thông cũng vậy, các bạn đang khai thác thông tin, vấn đề trên bề mặt xã hội, chưa có thu thập độc lập, những vấn đề đang nổi cộm, phần lớn dựa trên quan sát. Các bạn chỉ hiểu đó là đám đông mà không hiểu trong đó chứa đựng cái gì. Cho phép tôi nói thẳng, truyền thông góp phần làm nhiễu loạn giá trị, hoặc là chỉ thấy mặt trái, hoặc ca ngợi vô lối. Báo chí cũng phải tham gia như là một thành phần tất yếu, đem giá trị đúng đắn phổ biến cho mọi người.

- Điều ông vừa nói cũng đồng nghĩa với việc chưa có cái bắt tay thật sự chặt giữa nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giới truyền thông?

- Tôi đã nhiều lần nói về điều này, có người hỏi tôi, sao các nhà nghiên cứu không lên tiếng đi. Lại cũng phải nói thẳng thế này, không phải nhà nghiên cứu nào đủ khả năng nghiên cứu về lễ hội. Đừng quá tôn vinh người có “danh hiệu” nào đó. Ví dụ, tôi làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, không phải cái gì tôi cũng biết, tôi có một uy tín nhất định trong giới, nhưng ko có nghĩa tôi là một nhà chuyên môn. Cái mà chúng ta chưa làm được là tập hợp các nhà nghiên cứu chuyên sâu. Chúng ta có nhiều giải pháp, nay đề ra việc quản lý hòm công đức, mai hạn chế tiền lẻ... Những điều này chỉ là trượt trên bề mặt, không thực tế. 

- Thưa ông, trong tình cảnh này liệu có cần “chuẩn” cho người tham gia lễ hội không?

- Người tham gia lễ hội là đối tượng phải được quan tâm nhiều nhất. Nhìn vào thực tế các lễ hội hiện nay thì có thể thấy thế này, họ chỉ là một đám đông.  Họ tin rằng, cứ đi lễ thì họ sẽ có được tiền tài địa vị… Đó chỉ là những mong muốn của cá nhân, cho cá nhân chứ đâu có phải là mong muốn cho cộng đồng. Vì thế, họ chỉ là “Đám đông phi tâm linh”. Tôi xin nói rõ hơn, thắp nhang hóa vàng mù mịt, nhét tiền vào tay, thậm chí mũi tượng, chen lấn xô đẩy đặt lễ, tranh cướp cho được một miếng lộc… đó đều là hành động tạo ra những con người ích kỷ mà thôi, không phải hành động của tâm linh chân chính. Hội xưa theo chữ mà nhà nghiên cứu Từ Chi nói là “Cộng cảm”. Tôi với anh đến đó, không phải tạo ra cá nhân riêng lẻ mà tạo ra những cộng đồng người, củng cố liên kết cộng đồng. Ngày xưa, hội làng là tạo liên kết, giờ yếu tố thị trường cộng với tâm lý chụp giật đều được đem vào môi trường lễ hội, tâm linh vì thế làm sao có sự cộng cảm, cộng đồng được.  Nếu tạo ra cộng đồng luân lý và đạo đức, thì sẽ không có chuyện tiền lẻ rải di tích.

Trong hỗn loạn vẫn có giá trị tốt

- Năm ngoái người ta bàn nhiều đến chuyện trả lễ hội về cho người dân tự quản lý, liệu việc hạ quy mô lễ hội có phải là giải pháp hay?

- Việc nâng tầm và hạ tầm là ý kiến chủ quan thôi. Giờ quy mô của nhiều ngôi làng đã bị phá vỡ. Người làng - chủ thể sáng tạo đâu chỉ loanh quanh trong làng mà đã đi xa muôn nơi. Tất cả những cái nâng lên về quy mô không còn giá trị mà cái chính, cốt lõi của vấn đề là tạo ra cộng đồng luân lý và đạo đức. Người ta có thể đi đâu thì đi, nhưng khi bước vào môi trường đó, không gian thiêng đó, người ta buộc phải có hành vi đúng đắn. Đừng hi vọng đưa lễ hội quay trở lại thời ngày xưa. 

- Theo quan điểm cá nhân của ông, làm thế nào xây dựng niềm tin một cách đúng đắn nhất?

- Đó là câu chuyện nằm ngoài lễ hội. 

- Vậy đã quá muộn để níu kéo giá trị truyền thống trong lễ hội?

- Bấy lâu nay chúng ta cứ tưởng chúng ta đang phục dựng lại truyền thống. Với tư cách của một nhà nghiên cứu, tôi xin hỏi truyền thống là gì và đang được xác định như thế nào? Trong hỗn loạn, vẫn có yếu tố tốt, giá trị tốt, nhưng không hiểu sao giờ lại lâm vào tình trạng không thể chia sẻ với nhau được. Xã hội chúng ta đang biến chuyển. Khó mà ngồi ở đây để nói thế nào là giá trị tốt đẹp. Khó lắm đấy!  Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn thuần là ý chí của nhà quản lý hay ý chí của nhà nghiên cứu. Đó là vận động xã hội. Về điều này, chúng ta nên đặt ra câu hỏi chứ không phải cố tìm ra câu trả lời. 

- Những câu chuyện như tiền lẻ rải tràn lan di tích, chen lấn xô đẩy cướp ấn, ai cũng biết thế là không nên, nhưng rồi vẫn làm. Theo ông ngoài tâm lý đám đông ra còn lý do nào khác?

- Tôi gọi hành động này là sự mù quáng tâm linh. Đó còn là bởi người tham gia lễ hội không có môi trường để tìm hiểu. Không ai tạo cho họ môi trường tìm hiểu. Tiền là vật tượng trưng, chứ ko phải giá trị tuyệt đối. Vì thế đừng đặt ra giá trị, nếu cấm không được đặt tiền lẻ, tôi chắc chỉ năm sau thôi họ sẽ đặt cái khác. Việc nhét tiền vào mũi tượng ở chùa Bái Đính, thể hiện người đi hội hoàn toàn không có tri thức. Tôi nói thẳng như thế. Cần phải nhìn thẳng vào thực tế, không phải để chán nản, mà góp tay vào cải biến. Sự hỗn loạn đó tự chúng ta tạo ra, thì chúng ta hãy cùng nhau cải thiện nó đi.

-  Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!