Nhìn thẳng vào những vấn đề bức xúc: Hỏi “nóng” trả lời “nguội”

ANTĐ - ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) hỏi: “Bộ đã có đánh giá về y đức chưa? Người dân có được tham gia đánh giá không?”. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời: “Y đức liên quan tới rất nhiều vấn đề”. Bộ trưởng cũng phân trần nên thông cảm với ngành y lương thấp. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi: “Dư luận nói tuyển dụng hiện có nhiều tiêu cực. Có người mất nhiều tiền, thậm chí hàng trăm triệu đồng để xin việc, Bộ trưởng có biết không?”. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình diễn giải khá dài 11 nhóm giải pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lên tiếng: “Bộ trưởng trả lời rất chung chung”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Né tránh, đổ tại khách quan

Hôm qua, 26-3, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời chất vấn các ĐBQH về những vấn đề “nóng” liên quan tới quá tải bệnh viện (BV) và các biện pháp giảm tải, điều chỉnh viện phí, vấn đề y đức, đào tạo nhân lực, chảy máu chất xám ở bệnh viện công...

Quá tải ảo?
Nhìn thẳng vào những vấn đề bức xúc: Hỏi “nóng” trả lời “nguội” ảnh 1
Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đã quá tải từ nhiều năm nay
Nội dung được nhiều ĐBQH chất vấn nhất trong hôm qua là tình trạng quá tải bệnh viện, nhiều bệnh nhân phải nằm ghép rất khổ sở. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) hỏi: “Vì sao tình trạng bệnh nhân nằm ghép mãi không khắc phục được? Trách nhiệm của Bộ Y tế?”; ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) tiếp: “BV quá tải, bệnh nhân nằm la liệt, ốm ít thành ốm nhiều, giải pháp, lộ trình tháo gỡ như thế nào?”; ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lên tiếng: “Có phải khám chữa bệnh ở tuyến dưới kém quá nên bệnh nhân phải tràn về tuyến Trung ương?”.  Trình bày rất nhiều giải pháp xung quanh đề án giảm tải BV, Bộ trưởng Bộ Y tế còn đề cập tình trạng “quá tải ảo”: “Nhiều bệnh đơn giản, chữa được ở huyện nhưng bệnh nhân và người nhà vẫn dồn về Trung ương gây quá tải. Theo tôi, ở đây là quá tải tâm lý do dân chưa tin tuyến dưới. Lứa tuổi chúng tôi sinh ở nhà hộ sinh vẫn tốt nhưng giờ cứ có điều kiện là phải lên Viện C (Hà Nội) hay BV Từ Dũ (TP.HCM). Chuyển tuyến như vậy là không cần thiết... Tất nhiên, vẫn cần đầu tư, nâng cấp BV tuyến dưới để người dân tin tưởng hơn chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở...”. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) hỏi tiếp: “Bệnh viện công quá tải trầm trọng nhưng BV tư lại vắng vẻ. Phải chăng ngành y tế vẫn nặng quan liêu bao cấp trong phát triển BV?” - Bộ trưởng trả lời: “Chính sách ưu đãi cho phát triển BV tư đã có nhưng chưa đạt yêu cầu do đòi hỏi vốn đầu tư lớn và thiếu nguồn nhân lực, đất đai. Thêm vào đó, người dân cũng chưa tin tưởng và sự chênh lệch giá dịch vụ khám chữa bệnh nên người dân chưa vào BV tư nhiều...”.Đào tạo pháp y bị... tuyệt chủng! ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) hỏi: “Bệnh viện Trung ương quá tải trong khi bệnh viện tuyến huyện thiếu bác sỹ trầm trọng, Bộ trưởng giải thích thế nào?”; ĐB Vi Thị Hương (Nghệ An) thắc mắc: “Bác sỹ ra trường không ai làm y tế dự phòng nên nhân lực thiếu trầm trọng, Bộ xử lý ra sao?”; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp: “Nhân lực trong ngành y tế mất cân đối như thế, Bộ trưởng khắc phục bằng cách nào?”. Thừa nhận mảng y tế dự phòng dù quan trọng nhưng rất khó tuyển bác sỹ, Bộ trưởng cho biết, có những tỉnh  5-6 năm không tuyển được bác sỹ dự phòng nào. Không chỉ có vậy, nhiều ngành học khác cũng không có sinh viên thi đầu vào. “Đào tạo pháp y gần như tuyệt chủng. Đây là vấn đề lớn cần điều chỉnh. Bộ đang trăn trở vấn đề này...”.  ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) hỏi: “Nếu cho phép nhập quá nhiều máy móc hiện đại, liệu có tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao, thầy thuốc lệ thuộc vào máy móc?”. Bộ trưởng trấn an: “Không nên nói  lạm dụng bởi mua máy móc hiện đại là tất yếu để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tất nhiên, một vài nơi có việc lạm dụng xét nghiệm nhưng Bộ Y tế đã quy định mỗi BV có hội đồng chuyên môn. Một số kỹ thuật cao phải thông qua hội đồng mới được làm. Rồi còn thanh tra, giám sát, chế tài xử phạt nữa...”. Quan tâm tới vấn đề y đức, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) hỏi: “Bộ đã có đánh giá về y đức chưa? Người dân có được tham gia đánh giá không?”. Bộ trưởng trả lời: “Y đức liên quan tới rất nhiều vấn đề. Dù chưa có văn bản quy định đầy đủ về y đức nhưng ngành y tế có quy định về quy tắc ứng xử trong ngành, yêu cầu cán bộ phải luôn ân cần, chu đáo, ngay cả khi BV quá tải. Cùng với đó, ngành y tế cố gắng thực hiện tốt quy định về phòng, chống tham nhũng, gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên...”. Bộ trưởng cũng phân trần với các ĐBQH rằng nên thông cảm với ngành y lương thấp, cần tiếp tục điều chỉnh chế độ chính sách tài chính để cải thiện thu nhập cho cán bộ. “Hai BV chỉ cách nhau bức tường nhưng BV Việt Pháp không phải hô hào gì trong khi BV Bạch Mai phải tổ chức hẳn cuộc thi về ứng xử với người bệnh...”. Ghi nhận phản ánh của ĐBQH về tình trạng “mượn tên dược sỹ để mở nhà thuốc”, Bộ trưởng khuyên người dân nên tìm tới các nhà thuốc có đầy đủ tiêu chí nhà thuốc tốt. Bà phân trần: “Trước mắt, cố gắng làm tốt ở Hà Nội, TP.HCM, phải dần dần mới hết việc này...”.
Chưa đưa ra được gốc vấn đề
“Về chuyên môn thì Bộ trưởng Bộ Y tế có nắm được, nhưng phần giải pháp của Bộ trưởng nặng về liệt kê những vấn đề đã làm và sẽ làm, dựa quá nhiều vào yếu tố khách quan, trông đợi vào các bộ, ngành khác. Vấn đề chúng tôi và cử tri quan tâm là giải pháp tổng thể, Bộ giải quyết có triệt để không? Chẳng hạn quá tải bệnh viện, Bộ phải làm rõ được nguyên nhân tại sao bệnh nhân không đến với tuyến dưới? Vì bệnh viện tuyến dưới không làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hay không tận dụng được nhân lực sẵn có của ngành y tế. Thật ra, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện không thiếu người tài. Trả lời với tư cách tư lệnh ngành phải nghĩ ra biện pháp chiến lược. Do vậy, tôi thấy phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế, gốc vấn đề thì chưa đưa ra được”.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi: “Có rất nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra trước ngành y tế. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết, sang năm 2013 và tới 2015, những tồn tại ấy có khắc phục được không?”.

Trả lời Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà ngành y tế đã đặt ra trong 5 năm tới. Bộ trưởng cũng nói, năm 2013, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ dần bớt căng thẳng. Y đức cũng sẽ có cải thiện với sự ủng hộ và góp ý, phê phán của người dân. Cùng với đó, nạn quá tải BV ở một số điểm nóng như BV Bạch Mai, bệnh viện K hạ nhiệt dần. “Trước mắt, giảm tải ở một số khoa quá đông chứ không thể một sớm một chiều làm được hết. Tới năm 2015, sẽ có chuyển biến rõ nét, với điều kiện các địa phương phải bố trí được mặt bằng sạch”.

ĐB Hoàng Thị Nga (Nam Định) hỏi: “Hóa chất tạo nạc (thịt lợn) đã bị cấm dùng trong chăn nuôi, vậy sao ngành y tế vẫn còn sử dụng trong một số việc?”. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến né tránh câu hỏi nhạy cảm này: “Bộ Y tế chịu trách nhiệm lập ra các ngưỡng về an toàn sức khỏe con người còn chất tạo nạc trong lĩnh vực chăn nuôi lại thuộc về cơ quan khác...”. 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Hỏi “nóng”, trả lời “nguội”

Hàng loạt câu hỏi nóng liên quan tới tiền lương cán bộ, công chức, công tác tuyển sinh, tuyển dụng, tình trạng phải đút lót mới xin được việc, nạn sính bằng cấp, học giả, bằng thật... được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời khá chung chung.
Mở đầu phần chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) hỏi: “Tỉnh Đồng Nai vừa phát hiện 200 cán bộ thuê người thi hộ để lấy bằng ngoại ngữ, như vậy là học giả mà bằng thật. Áp lực bằng cấp để tiến thân đã khiến công chức phải chạy bằng, mua bằng, Bộ trưởng có tính tới việc đổi mới tuyển sinh, tuyển dụng để hạn chế vấn nạn này?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đáp: “Những năm gần đây, công tác tuyển sinh, tuyển dụng đã có nhiều đổi mới theo hướng tích cực. Thế nhưng, quá trình triển khai trong thực tế đã có những việc như ĐB nói diễn ra. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hạn chế nạn học giả, bằng thật...”. ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) tiếp: “Mỗi địa phương tuyển dụng một kiểu, Bộ trưởng làm gì để đảm bảo công bằng?”. Ông Nguyễn Thái Bình nói: “Đúng là có địa phương phân biệt đối xử giữa sinh viên hệ chính quy với tại chức, đào tạo từ xa. Chúng tôi yêu cầu là phải làm theo luật, không được phép phân biệt loại hình đào tạo khi tuyển dụng. Đồng thời, phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan...”.

Chưa hài lòng, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) truy tiếp: “Dư luận nói tuyển dụng hiện có nhiều tiêu cực. Có người mất nhiều tiền, thậm chí hàng trăm triệu đồng để xin việc, Bộ trưởng có biết không? Cách nào để triệt tiêu những tiêu cực này?”. Khá lúng túng trước câu hỏi nhạy cảm này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình diễn giải khá dài 11 nhóm giải pháp thuộc đề án cải cách chế độ công vụ, công chức, rồi “gút” lại: “Các giải pháp đó đã bao trùm nội dung ĐBQH hỏi”. Không đồng tình với cách “né” vấn đề của Bộ trưởng, người điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lên tiếng cắt ngang: “Bộ trưởng trả lời rất khái quát, rất chung chung”. Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc lại toàn bộ nội dung câu hỏi “mất hàng trăm triệu đồng xin việc” của ĐB Bùi Thị An và yêu cầu Bộ trưởng trả lời  thẳng vào vấn đề. Khi đó, Bộ trưởng mới trả lời: “Dư luận khi tôi làm Bộ trưởng là có. Đây là vấn đề bức xúc nhưng chỉ ra thật khó. Chúng tôi xin tiếp thu, cùng với các cơ quan liên quan để nghiên cứu cơ chế nhằm hạn chế khiếm khuyết này...”.

Tiếp tục mạch chất vấn về công tác cán bộ, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) hỏi: “Một bộ phận cán bộ xa dân, làm việc với tư duy “cai trị”, áp đặt, gây nhiều bức xúc cho nhân dân, có phải do đào tạo bồi dưỡng chưa đúng?”. ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) chê: “Bộ máy hành chính khô cứng về nhân sự. Tuổi trẻ khó vào vì tuyển dụng nặng về bằng cấp trong khi người năng lực yếu lại khó điều chuyển, Bộ trưởng làm thế nào để khắc phục?”. Lại nhắc lại rất nhiều giải pháp đã nêu, Bộ trưởng cho rằng, để giải quyết căn cơ thực trạng trên, cần phải cải cách chế độ công vụ, công chức với cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Xung quanh vấn đề tiền lương, nhiều ĐBQH cho rằng, mức lương cơ bản hiện nay thấp, chưa khuyến khích, thu hút được người tài. Nhiều ĐBQH muốn Bộ trưởng giải trình rõ về lộ trình cải cách tiền lương. Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ hé lộ rất ít thông tin: “Ban chỉ đạo cải cách tiền lương giai đoạn 2012 - 2020 đã họp 9 lần, cơ bản thống nhất lộ trình, bước đi. Song Ban chỉ đạo cũng còn phải lấy ý kiến nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nên vẫn cần tính toán thêm. Hướng chung là mức lương tối thiểu sắp tới phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức...”.

Tiếc vì Bộ trưởng trả lời chung chung quá

“Tôi hỏi rất cụ thể với ví dụ có thật trong thực tế và đang được cơ quan công an điều tra, rất tiếc Bộ trưởng trả lời khái quát, chung chung quá. Đây là vụ thi thuê, học thuê để lấy bằng khá lớn, những người này không hề đi học, đi thi, họ chỉ thuê người làm hộ những việc đó. Đáng buồn, đây không phải là trường hợp hiếm. Ngược lại, nó diễn ra ở khá nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đó là hồi chuông báo động để Bộ Nội vụ trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải tham mưu cho Chính phủ xây dựng Đề án đổi mới một cách căn bản công tác tuyển dụng chứ còn nói là đã có rồi thì không phải. Giá như Bộ trưởng trả lời cụ thể vào từng câu hỏi của các ĐBQH thì tốt hơn nhiều”.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị)

 Không thể đổ lỗi cho khách quan

“Tôi nghĩ việc luân chuyển cán bộ là cần thiết nhưng cụ thể thế nào để đảm bảo công bằng thì chưa có tiêu chí cụ thể, rất dễ bị hiểu sai. Nên coi ngành y tế là ngành dịch vụ, chi phối bởi cơ chế thị trường. Đối với những bác sỹ trình độ cao thì có rất nhiều lời mời gọi hấp dẫn từ các phòng khám, bệnh viện tư nhân, bệnh viện quốc tế… Trong khi đó, các cán bộ y tế bệnh viện tuyến dưới đã làm “tròn vai” chưa? Nếu họ tận tình, khám chữa bệnh thì người dân việc gì phải mất công, mất tiền, lên bệnh viện tuyến trên. Những mục tiêu đặt ra, đến thời hạn không thực hiện được thì ai chịu trách nhiệm? Không thể đổ lỗi cho khách quan mãi được”.

Bùi Việt (Quận Hà Đông, Hà Nội) 
Cần phối hợp đào tạo cán bộ


Ai cũng mong muốn một việc làm ổn định trong các cơ quan nhà nước, nhưng việc tuyển dụng, chế độ đã thực sự công bằng chưa? Luật có nhưng đã sát thực tế? Nạn chảy máu chất xám, chạy chức, chạy quyền, người tài bỏ cơ quan nhà nước chưa hề được giải quyết một cách nghiêm túc. Yếu kém ở một số đơn vị, ở một số nơi hiện nay là do chúng ta không có tầm nhìn dài hạn về giáo dục, đào tạo. Sao các bộ không phối hợp ngay từ những khâu đầu tiên, vừa đúng mục đích, có cán bộ lại không lãng phí.

Trịnh Thị Hà (Phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy)