Nhìn thẳng vào mặt trái

ANTD.VN - Mô hình hệ thống an sinh xã hội ở nước ta đã được dày công xây dựng trong 30 năm qua và ngày càng trở nên vững chắc. 

Hệ thống này dựa trên một trụ cột vững chắc nhất, đó là bảo hiểm xã hội. Hệ thống bảo hiểm xã hội lại được xây dựng trên nền móng của bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, bảo hiểm xã hội phản ánh trung thực, rõ nét nhất quyền lợi an sinh xã hội mà người dân, người lao động được thụ hưởng.

Bản chất của bảo hiểm xã hội (BHXH) là “của để dành” nên người lao động có việc làm, khỏe mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập vào Quỹ BHXH, khi ốm đau sẽ được khám chữa bệnh, được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả phần lớn viện phí, được nhận tiền trợ cấp khi ốm đau, khi sinh đẻ và nuôi con. Đặc biệt khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp.

Khi người lao động mất việc làm sẽ được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và được giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Sau hơn một năm thực hiện Luật BHXH 2014, các chế độ chính sách BHXH, BHYT đã được đảm bảo công bằng hơn, người lao động tham gia BHXH  có nhiều quyền lợi hơn. Tuy nhiên, BHXH cũng bộc lộ những mặt trái, đó là tình trạng nợ chây ì, trốn đóng BHXH đối với người lao động diễn ra  phổ biến trong các doanh nghiệp, công ty trong các khu công nghiệp, liên doanh, đầu tư nước ngoài.

Ngoài viện dẫn lý do quy định của Luật BHXH, người lao động sẽ đóng 8%, chủ lao động đóng 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất là mức quá cao, còn diễn ra tình trạng sử dụng chiêu trò gian lận trốn đóng, khai khống mức lương của người lao động. Nhà nước quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải góp phần vào việc đảm bảo tương lai cho người lao động khi hết tuổi lao động hoặc không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dẫn đến suy giảm năng lực lao động.

Đây chính là lợi ích của người lao động và chủ lao động tạo nên sự gắn bó giữa đôi bên, vì sản xuất kinh doanh ổn định, vì lợi nhuận của doanh nghiệp. Tiếc thay, thực tế không ít doanh nghiệp “phủi tay” rũ sạch trách nhiệm với những người lao động gặp phải tai ương, bất trắc rủi ro.

Đó là chưa kể tình trạng lao động bị mất việc làm, bơ vơ chẳng những không được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp mà không hề có cơ hội được dạy nghề. “Mang con bỏ chợ” là một sự thật không thể phủ nhận, trong khi chủ doanh nghiệp, công ty vẫn thường lớn tiếng tuyên bố hùng hồn rằng, người lao động là tài sản quý giá nhất.

Phát triển BHXH là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và là “giá đỡ”, “lá chắn” của người lao động. Không thể phủ nhận mặt phải BHXH là cơ bản, song rất cần nhìn thẳng, nói thẳng vào mặt trái.