Nhìn thẳng trách nhiệm

ANTĐ - Giữa tháng 3 này, khi đi thực tế khảo sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Thăng Long, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nêu ngay yêu cầu: “Tôi phải tới doanh nghiệp nào đang khó khăn nhất”. Vậy là, đoàn công tác lại qua Khu Công nghiệp Quang Minh, vốn nằm ngoài lịch trình, để gặp gỡ, lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp ngay tại xưởng sản xuất. 

Từ những thông tin xác thực nhất, cập nhật nhất của các doanh nghiệp đang khó khăn nhất, Chủ tịch thành phố chỉ đạo từng đầu việc tới các sở, ban, ngành, địa phương có mặt, với thời hạn giải quyết cụ thể. Có việc chỉ mất vài ngày, có việc phải nhiều tháng mới xong. Thậm chí, có việc phải kiến nghị Trung ương giải quyết vì vượt thẩm quyền của thành phố. Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng nghìn công việc thành phố làm mỗi ngày để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp.

Không chỉ nói suông “luôn đồng hành với doanh nghiệp” hay “tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp”, lãnh đạo thành phố liên tục gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để có được cái nhìn chân thật nhất về tình hình sản xuất, kinh doanh để từ đó đưa ra được chính sách hỗ trợ phù hợp nhất với doanh nghiệp. Thế nhưng, những nỗ lực như thế vẫn là chưa đủ. Thủ tục hành chính đã cắt giảm nhưng vẫn còn nhiều, còn phức tạp. Tiếng kêu phiền hà, nhũng nhiễu vẫn còn. Bởi một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả người đứng đầu còn chưa chấp hành kỷ cương hành chính, thiếu năng động, sáng tạo, thậm chí quan liêu, trì trệ, sách nhiễu.... “Không thể đổ tại ai được, trách nhiệm hoàn toàn ở chúng ta” – với góc nhìn thẳng như vậy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu đánh giá một cách khách quan, khoa học những tồn tại, yếu kém để khắc phục sớm nhất có thể. 

Chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp luôn có mối quan hệ hữu cơ. Hà Nội không thể phát triển nếu thiếu doanh nghiệp. Chăm lo cho doanh nghiệp cũng chính là vì sự phát triển của thành phố. Những cuộc khảo sát thực tế, lắng nghe, xử lý tại chỗ vướng mắc của doanh nghiệp do lãnh đạo thành phố chủ trì đã phát huy tác dụng, giúp Hà Nội đạt được mục tiêu kép trong 3 tháng đầu năm 2013. Kinh tế Thủ đô có mức tăng tưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, GDP ước tăng 7,5%, cao hơn mức 7,3% của năm trước. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn TP ước đạt 42.912 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong đó đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng với 61 dự án, tổng vốn đăng ký 149 triệu USD. Dù vậy, sản xuất công nghiệp, xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong 45 sản phẩm công nghiệp chủ lực, 25 sản phẩm giảm sản lượng và có 5 sản phẩm giảm tới 60%. 

Những con số khả quan cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành đang đi đúng hướng. Nó chứng minh Thủ đô Hà Nội vẫn hấp dẫn đầu tư và Hà Nội tiếp tục là điểm đến quan trọng trên bản đồ kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Dù vậy, đây mới chỉ là kết quả của quý đầu tiên. Thành phố vẫn còn 9 tháng nỗ lực hết mình để có thể hoàn thành mục tiêu kép - tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn.