Sửa đổi Luật Thuế Thu nhập cá nhân:

Nhìn lạm phát thấy lo

ANTĐ - Theo dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vừa được Bộ Tài chính công bố, mức khởi điểm chịu thuế cho mỗi cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc sẽ được điều chỉnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức tăng cố định sẽ không phù hợp nếu lạm phát tăng nhanh. 

Nhìn lạm phát thấy lo ảnh 1
Người dân mong muốn Luật Thuế thu nhập cá nhân sát với giá cả 
và mức chi tiêu, thu nhập thực tế

Nên tiếp tục hỗ trợ người nộp thuế

Theo anh Dương Mạnh Tùng - Phó trưởng phòng kinh doanh thẻ tại một ngân hàng, việc Bộ Tài chính xem xét phương án điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế và tăng mức giảm trừ gia cảnh là hết sức cần thiết. “Tuy mức khởi điểm mới tăng lên 6 triệu đồng và giảm trừ gia cảnh tăng lên 2,4 triệu đồng nhưng đến đầu năm 2014 mới có thể áp dụng tôi e rằng sẽ quá lạc hậu. Chỉ cần giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, giá điện, giá gas tăng thì đời sống của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Như vậy trong khoảng thời gian gần 2 năm cũng phải tính tới các yếu tố lạm phát và Nhà nước cũng cần có những hỗ trợ cho người nộp thuế”- anh Tùng nói.

Chị Phan Lan Hương - kế toán tại một công ty xuất nhập khẩu cũng cho rằng: “Trong năm 2011, Nhà nước đã có chính sách chia sẻ với những người nộp thuế TNCN bằng việc miễn thuế cho cá nhân có thu nhập đến mức chịu thuế bậc 1 từ tháng 8 đến tháng 12. Bước sang năm 2012, người có thu nhập chịu thuế lại phải đóng thuế như bình thường, trong khi đó giá cả nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục tăng chóng mặt. Mới đây là giá xăng tăng, chắc chắn mặt bằng giá cả lại được đẩy lên. Với thu nhập như hiện nay, tôi đã phải căn cơ, chắt bóp khi chi tiêu rất nhiều từ việc mua sắm đến nội trợ hàng ngày như mớ rau, con cá… Nếu không có sự hỗ trợ thì không ít người sẽ thực sự mệt mỏi để thu xếp chi tiêu”.

Phản ứng mạnh mẽ hơn, anh Hải Anh - một giảng viên đại học cho rằng, nộp thuế là nghĩa vụ của mỗi công dân nhưng nếu với thu nhập không đủ chi tiêu thì ít người muốn thực hiện nghĩa vụ này. “Việc đánh thuế nên hướng tới các đối tượng có thu nhập cao, như tôi thấy ở các nước họ có thể đánh thuế thu nhập đối với cầu thủ, ca sỹ… những người có thu nhập vượt trội so với mặt bằng chung với một mức thuế lên tới 40%. Trong khi đó, với luật thuế hiện nay của Việt Nam thì mức cao nhất là 35% và khi sửa đổi sẽ chỉ còn 30%. Như vậy là thiếu công bằng”.

Bộ Tài chính nói: “Hợp lý”

Theo lý giải của Bộ Tài chính, tham khảo kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu như không có nước nào quy định mức giảm trừ gia cảnh dựa theo một chỉ tiêu, chỉ số cố định mà thường căn cứ vào nhiều yếu tố như yêu cầu động viên vào ngân sách, chế độ an sinh xã hội, khả năng, thu nhập và mức sống dân cư để xác định mức giảm trừ hoặc đánh thuế từ đồng thu nhập đầu tiên. Do điều kiện kinh tế của các nước khác nhau nên khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Tổ biên tập chọn ra một số thông số cơ bản nhất để có thể so sánh được, cụ thể như so sánh với mức GDP bình quân đầu người, mức thu nhập bình quân xã hội (theo số lần hoặc tỷ lệ %). Đồng thời các nước đang phát triển thực hiện mức giảm trừ gia cảnh ổn định trong một thời gian và có thể xem xét sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh khi sửa đổi Luật thuế TNCN.

Với các số liệu tính toán, phân tích Bộ Tài chính xác định quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN lần này thì mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế 6 triệu đồng/tháng (78 triệu đồng/năm), mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 2,4 triệu đồng/tháng (28,8 triệu đồng/năm) là phù hợp. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh này đã bảo đảm phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng thu nhập xã hội đến 2014 và những năm tiếp theo, không gây khó khăn cho đời sống người nộp thuế. Mức giảm trừ gia cảnh cũng phù hợp với biến động về chỉ số giá (CPI) đến năm 2014.

Bộ này cũng cho rằng, mức giảm trừ 6 triệu đồng/tháng tương đương 1,7 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014. Mức này cũng cao gấp 3,6 lần mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức (dự kiến là 1.670.000 đồng/tháng) và đảm bảo cao hơn mức thu nhập trung bình của xã hội vào thời điểm năm 2014. Với mức giảm trừ gia cảnh bảo đảm số người nộp thuế không bị giảm nhiều, đáp ứng được yêu cầu dài hạn là mở rộng diện nộp thuế cùng với tăng trưởng kinh tế và mức tăng thu nhập dân cư.