Nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

ANTD.VN - Sau thời dài phải chống chọi với bệnh tật tuổi già, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã qua đời tại nhà riêng ở TP.Hồ Chí Minh vào chiều ngày 26/12 vừa qua. Ở tuổi 94, ông ra đi đã đem đến sự tiếc thương vô hạn cho người thân, gia đình, bạn bè văn nghệ sĩ cùng đông đảo công chúng yêu nhạc.

Cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam sau Cách mạng Tháng 8. Tên tuổi của ông đã được gắn liền với rất nhiều các sáng tác đã đi sâu vào tiềm thức của những thế hệ khán giả yêu nhạc khác nhau như: “Dư âm”, "Mẹ yêu con", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", “Bài ca năm tấn”, “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, “Vượt trùng dương”,…

Từ những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại thành phố Vinh, Nghệ An. Cha ông là người đứng đầu một phường bát âm khi thành thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào. Từ nhỏ, ông đã được gửi theo học tại trường Quốc học Vinh. Tại đây, ông được chọn tham gia dàn nhạc nhà thờ thánh ca và học các nốt nhạc đầu tiên dưới sự chỉ dạy của những giáo viên người Pháp, người Hoa.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trẻ

Ngay từ năm 19 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã đi hát tại các phòng trà ở Vinh để kiếm sống. Đến năm 1945, khi cách mạng nổ ra, ông tham gia vào mặt trận Việt Minh và sáng lập ra đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An.

2 năm sau, ông đã bắt đầu những chương đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền tại huyện Thanh Chương, Nghệ An. Tác phẩm đầu tay của ông được hoàn thiện vào năm 1949 mang tên "Ai xây chiến lũy".

Bắt đầu từ những năm 1950, trong thời kỳ ông làm Trưởng đoàn đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã bắt đầu cho ra mắt công chúng những sáng tác đầu tiên trong sự nghiệp của mình như “Pha màu luống cày”, “Mùa hoa nở” và đặc biệt là bản tình ca bất hủ “Dư âm”.

Đến cuối năm 1957, ông được chỉ định thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng bốn nhạc sĩ khác là Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước và Văn Cao. Sau đó, ông tiếp tục ghi dấu trong lòng người yêu nhạc với những giai điệu đến từ các ca khúc như “Chim hót trên đồng đay”, “Dòng sông qua hương”, “Tiễn anh lên đường”, “Múa hát mừng chiến công”,…

Các sáng tác của ông trong giai đoạn này thường tập trung khắc họa tình yêu với quê hương, đất nước và tình yêu đôi lứa.

…đến những giai điệu bất hủ đã đi cùng năm tháng

Vốn được tiếp xúc dân ca cổ tuyền từ nhỏ nên các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đều có điểm chung là giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng và dễ đi vào lòng người. Ông thuộc trong số ít những nhạc sĩ "nhạc đỏ" hiếm hoi có thể thành công với chất liệu dân ca. 

Bên cạnh đó, ông thường chọn hình ảnh người phụ nữ làm nguồn cảm hứng chủ đạo cho các sáng tác của mình. Gần như trong tất cả các sáng tác của người nhạc sĩ tài ba này đều có dáng dấp từ những người phụ nữ mà ông yêu mến. Bạn bè thậm chí gọi ông với danh xưng "nhạc sĩ chuyên trị về phụ nữ".

Một số ca khúc hay của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về hình ảnh của phụ nữ có thể kể đến như “Bài ca phụ nữ Việt Nam”, “Mẹ yêu con”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”,… Trong đó, "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" đã trở thành một giai điệu "huyền thoại" khi khắc họa rất thành công tầm vóc lớn lao của những người phụ nữ nơi hậu phương, luôn chăm chút từng miếng cơm, mảnh áo cho các chiến sĩ ở chiến trường.

Ngoài ra, các bản tình ca cũng là một thể loại đã đưa tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đến gần hơn với công chúng. Ca khúc nổi tiếng nhất của ông là nhạc phẩm Dư âm được sáng tác năm 1950.

"Dư âm" - một trong những sáng tác gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Tuy bài hát không được quá phổ biến ở miền Bắc trong chiến tranh nhưng lại được người miền Nam rất yêu thích và thường xuyên được biểu diễn trên các sân khấu âm nhạc trước năm 1975. Nội dung của ca khúc khắc họa hình ảnh một cô thiếu nữ ngây thơ, trong sáng với những nỗi tương tư dành cho người mình yêu. Đến nay, nhạc phẩm này vẫn có một vị trí trang trọng trong lòng người yêu nhạc và được rất nhiều ca sĩ thể hiện lại thành công.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn là người hiếm hoi có những sáng tác về các ngành nghề lao động nhưng vẫn được nhiều người rất yêu thích và đón nhận như: "Em đi làm tín dụng", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" , "Bài ca năm tấn", "Cô đi nuôi dạy trẻ",… Hình ảnh người lao động trong âm nhạc của ông luôn rất gần gũi, giản dị, yêu đời và hăng say trong công việc.

Với những đóng góp không biết mệt mỏi cho nghệ thuật nước nhà, năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những đóng góp của ông trong văn học nghệ thuật ở các tác phẩm: "Mẹ yêu con", "Vượt trùng dương", "Bài ca năm tấn", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Dáng đứng Bến Tre".

Và những ngày tháng cuối đời 

Dù đã đạt được rất nhiều thành công trong sự nghiệp âm nhạc nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã phải rất phải sống chật vật trong những năm tháng cuối đời.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và những năm tháng cuối đời trong cô đơn, bệnh tật (Nguồn: VTC News)

Chỉ sinh hoạt một mình trong căn phòng chưa đầy 10m2 tại con hẻm nhỏ giữa lòng Sài Gòn. Cuộc sống tại đây của ông là những ngày phải sống trong cảnh nghèo túng và tự mình chống chọi lại những căn bệnh của tuổi già như cao huyết áp, viêm phổi, đau cột sống,…

Những gì còn lại bên người nghệ sĩ đáng kính trong những ngày tháng ấy chỉ còn là những tấm bằng khen, những tấm ảnh chân dung và một số nhạc cụ được treo ngay ngắn trên những bức tường. Chi tiêu hàng ngày của cố nhạc sĩ phần lớn dựa vào những đồng tiền ít ỏi của lương hưu, tiền tác quyền và lòng hảo tâm của người hâm mộ cùng các tổ chức gần xa.

Những ngày cuối đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một cuộc sống gói gọn trên một chiếc giường sắt cũ kĩ. Và người nghệ sĩ ấy đã trút những hơi thở cuối cùng trong lặng lẽ trên giường bệnh.

Vĩnh biệt ông – vĩnh biệt người nghệ sĩ tài hoa của những “dư âm” sâu lắng.