Nhìn lại con đường sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

ANTĐ - Hôm 30-3, Triều Tiên đã đe dọa sẽ thực hiện một vụ thử hạt nhân lần thứ 4 theo phương pháp mới, một động thái nâng cao mức độ khiêu khích sau khi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên.

Bất chấp các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, tính đến nay, Triều Tiên đã thực hiện 3 vụ thử hạt nhân. Trong đó, quan trọng nhất là cuộc thử hạt nhân lần thứ 3 vào tháng 2-2013, đưa Triều Tiên vào nhóm 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ, Pakistan.

Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên diễn ra vào năm năm 2006 là một vụ thủ nghiệm nhỏ, diễn ra tại P'unggye-Yok, phía đông bắc Triều Tiên. Ước tính, vụ thử hạt nhân này có đương lượng nổ (phương pháp đo năng lượng giải phóng từ vụ nổ) chỉ từ 550-800 tấn TNT.

Cuối tháng 5/2009, chỉ một tháng sau khi kết thúc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân, Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân lần thứ 2 tại khu vực đông bắc nước này, được cho là mạnh hơn rất nhiều so với lần đầu tiên, đương lượng nổ ước chứng từ 2000-6000 tấn TNT. Các nhà khảo sát địa chất Mỹ cho biết là vụ thử hạt nhân gây ra một cơn địa chấn mạnh 4,7 độ Richter.

Nhìn lại con đường sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ảnh 1

Vụ thử thành công lần 3 đã đưa Triều Tiên vào nhóm 9 nước
sở hữu vũ khí hạt nhân (Ảnh minh họa)

Vụ thử hạt nhân lần thứ 3 được tiến hành với bom nguyên tử cỡ nhỏ, hạng nhẹ nhưng sức công phá cực lớn, diễn ra vào tháng 2-2013, tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, khu vực Kilju ở đông bắc của Triều Tiên. Vụ thử nghiệm này có đương lượng nổ ước chừng khoảng 6000 - 10000 tấn TNT, tạo nên một trận động đất khoảng 4,9 độ Richte.

Theo các quan chức công nghiệp quốc phòng Triều Tiên, vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 diễn ra với “trình độ cao, an toàn và hoàn hảo” và không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đồng thời, Bình Nhưỡng tuyên bố đã đạt được tiến bộ trong việc đảm bảo cho một kho vũ khí nguyên tử hoạt động.

Hiện nay, nước này có rất nhiều cơ sở phục vụ và thử nghiệm hạt nhân như: Cơ sở hạt nhân Yongbyon có lò phản ứng Taechon và nhà máy làm giàu uranium ở Pakchon; lò phản ứng Sinpo ở phía đông bắc; cơ sở nhiên liệu Sunchon nằm rất gần thủ đô Bình Nhưỡng; cơ sở khai thác Uranium ở Pyongsan ở tỉnh Bắc Hwanghae bao gồm hai mỏ Uranium là Kumdongsan và Kumchon.

Nhìn lại con đường sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ảnh 2

So sánh đương lượng nổ của 3 lần thử nghiệm

Trong số này thì Yongbyon là cơ sở hạt nhân đóng vai trò quan trọng nhất, tại đây đã diễn ra các hoạt động sản xuất và chế biến nhiên liệu hạt nhân, được phương Tây gọi là “cái nôi hạt nhân” của Triều Tiên. Ngoài ra, địa điểm thử nghiệm hạt nhân Kilju ở đông bắc của Triều Tiên, nơi được cho là địa điểm tiến hành hai cuộc thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006 và 2009 cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

Tuy con đường phát triển thành cường quốc hạt nhân của Triều Tiên còn rất gian nan nhưng bắt đầu từ vụ thử hạt nhân thành công lần thứ 3, Triều Tiên đã chính thức trở thành nước thứ 9 bước vào “câu lạc bộ 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân”, bản đồ phân bố vũ khí hạt nhân trên thế giới lại một lần nữa phải điều chỉnh lại.