Nhiều ý kiến phản đối việc dâng bánh giày 3 tấn tại giỗ Tổ Hùng Vương

ANTD.VN - Xung quanh sự việc UBND thành phố Sầm Sơn gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép dâng bánh giày kỷ lục nặng hơn 3 tấn tại đền Hùng vào đúng ngày giỗ tổ Hùng Vương năm 2018, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các nhà tu hành và các văn nghệ sĩ đã nêu lên quan điểm của mình.

Nhiều ý kiến phản đối việc dâng bánh giày 3 tấn tại giỗ Tổ Hùng Vương ảnh 1

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tránh gây lãng phí”

Cần phải nhìn ở cả hai góc cạnh, thứ nhất, đó là tập quán mang tính chất giải trí quốc tế, mong muốn lập được kỷ lục to nhất, mới nhất. Tuy nhiên, góc cạnh thứ 2, trong bối cảnh hiện nay, sự chia sẻ cộng đồng không đơn giản, cần phải đặt câu hỏi làm việc đó để làm gì, có lợi ích gì không, tổ chức tốt hay không? Nếu làm chiếc bánh giày hơn 3 tấn mà chỉ mang tính chất tượng trưng, giải trí thì gây lãng phí. Kính phí từ các nguồn xã hội hóa cũng là lãng phí của xã hội.

Mặc dù ở nước ngoài, việc làm một chiếc bánh khổng lồ hay cây xúc xích dài nhất để xác lập kỷ lục là bình thường, song họ làm trong một môi trường xã hội thuận lợi với mục đích không chỉ hình thức, tuyên truyền mà còn thể hiện một năng lực nào đó. Tuy nhiên, nếu làm chiếc bánh giày to hơn 3 tấn ở Việt Nam khó giám sát được chất lượng. Tôi nhớ có một thời, người ta độn cả xốp vào bánh giày để bánh giày đạt được chiều cao kỷ lục. Nên nếu quan tâm đến chất lượng của chiếc bánh giày hơn 3 tấn, tất nhiên sẽ lo ngại cả về những rủi ro có thể xảy ra.

Có thể ý tưởng đó xuất phát từ tấm lòng, mục đích tốt, nhưng chưa nên thực hiện. Hơn nữa, cần chú ý, sau khi làm lễ thì xử lý chiếc bánh lớn ra sao, cắt nhỏ chiếc bánh ra để chia cũng không phù hợp, bởi ngay như trong bối cảnh lễ hội hiện nay, việc phân phát lộc đã khó khăn rồi.

Đại đức Thích Hải Hòa, chùa Dược Sư, Sóc Sơn: 

 “Lễ vật dâng lên vua Hùng không nên chạy theo kỷ lục”

Về mặt tâm linh, lễ vật dâng lên các vua Hùng không cần to, không cần chạy theo kỷ lục. Những cái đó có chăng chỉ làm cho “người trần mắt thịt” thấy thỏa thê, còn các đấng tối cao không thể thụ hưởng được số vật chất mà chúng ta dâng lên.

Với một lễ hội mang tính quốc gia và chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh như Lễ hội Đền Hùng, điều quan trọng là tấm lòng thành kính, là sự kết nối giữa những trái tim Việt Nam cùng nhau hướng về tổ tiên, tri ân với các bậc tiền nhân. Do vậy, lễ vật nên mang tính bản sắc vùng miền, đặc trưng văn hóa của từng dân tộc, thể hiện cho sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa những người con Việt Nam.

Tôi cho rằng, lễ vật càng nhỏ thì càng quý, càng mang nhiều giá trị trí tuệ và văn hóa thì càng đáng trân trọng. Những kỷ lục sẽ chẳng mang ý nghĩa nếu như bánh chưng dâng lên vua Hùng sau đó lại phải bỏ đi vì không được bảo quản.

Thay vì chiếc bánh chưng khổng lồ, sao chúng ta không nghĩ đến làm những chiếc bánh chưng nhỏ, rồi phát lộc cho người nghèo, giúp họ vượt qua cái đói trước mắt. Như thế, lễ vật của vua Hùng sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn.

Chiếc bánh giày cỡ "khủng" từng được làm ở TP Sầm Sơn (Thanh Hóa)

Nhiều ý kiến phản đối việc dâng bánh giày 3 tấn tại giỗ Tổ Hùng Vương ảnh 3

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến:

“Nếu muốn bày tỏ lòng nhớ ơn, nên có đóng góp thiết thực hơn”

Tôi thấy việc làm những chiếc bánh chưng, bánh giày khổng lồ là không nên. Việc đó đã được lặp đi lặp lại nhiều năm nay khiến không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người lo ngại việc làm bánh chưng, bánh giày để lập kỷ lục là một “căn bệnh hình thức”.

Tôi hoàn toàn không đồng tình với những lễ vật khổng lồ kiểu như thế. Trước tiên là lo ngại về vấn đề ẩm thực, chiếc bánh giày hơn 3 tấn ăn cũng khó mà nếu ăn thì chắc vị của nó cũng… không ngon lắm! Ẩm thực ngon và tinh tế nên ở tỷ lệ truyền thống, nghĩa là bánh nhỏ, vừa phải thôi.

Có người hỏi tôi, nếu tôi là du khách đến Đền Hùng được phát lộc bánh giày thì tôi có ăn không? Tôi trả lời rằng tôi sẽ không ăn. Trong bản năng sinh tồn của tôi, tôi rất ngại và quyết định không nếm thử, không ăn những cái như thế và cũng không ủng hộ việc như thế.

Nếu người dâng muốn dâng lên Vua Hùng để bày tỏ lòng nhớ ơn, theo tôi họ nên có những đóng góp cụ thể, thiết thực và ý nghĩa hơn. Ví như, dâng Đền Hùng thì có thể đóng góp cho các bảo tàng, cho các nghiên cứu lịch sử văn hóa, giáo dục... cho thế hệ trẻ, thanh thiếu niên; hay có những nghệ nhân hát xoan, hát ghẹo tại Phú Thọ vẫn đang khó khăn cần được quan tâm, hỗ trợ.