Nhiều ý kiến lo ngại, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu đề xuất bổ sung quyền điều tra cho cơ quan thuế

ANTD.VN - Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nếu bổ sung thêm chức năng điều tra thuế, thì cơ quan thuế vừa thu thuế, vừa thanh tra rồi lại điều tra sẽ có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế.

Lo “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Trong dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất bổ sung thêm thẩm quyền khởi tố, điều tra thuế cho cơ quan thuế, công chức thuế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.

Cụ thể, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự.

Tuy nhiên, khi đóng góp cho dự thảo Luật Quản lý thuế, đa phần các Bộ ngành đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đề xuất này. Cụ thể, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính thực hiện theo đúng nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 732/QĐ-TTg, làm rõ mối quan hệ giữa bộ phận điều tra thuế với cơ quan điều tra của các bộ liên quan và cơ quan tư pháp trước khi đề nghị bổ sung chính sách vào dự thảo Luật.

Theo Bộ Tư pháp, việc giao thẩm quyền cho cơ quan thuế, công chức thuế khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự cần phải có đánh giá tác động về tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của công chức thuế trong hoạt động tố tụng và làm rõ phạm vi hoạt động điều tra thuế.

Trong trường hợp bổ sung thẩm quyền của của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì chính sách này tác động đến hệ thống pháp luật (đặc biệt là tố tụng hình sự) như thế nào cũng cần được đánh giá cụ thể.

Đồng quan điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ về tính phù hợp với Luật Tố tụng hình sự và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì đề nghị “cân nhắc” vấn đề này do lo ngại tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi.

“Nếu bổ sung thêm chức năng điều tra thuế, thì cùng 1 cơ quan, cùng 1 bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế. Việc này theo đánh giá sẽ có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế”, VCCI góp ý.

Bộ Tài chính vẫn kiên định đề xuất bổ sung quyền điều tra cho cơ quan thuế

Cũng có cùng lo ngại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thẳng thắn đề nghị không bổ sung chức năng điều tra thuế cho cơ quan thuế vì hiện nay chức năng điều tra theo quy định hiện hành không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế.

“Trong một số trường hợp thì cơ quan quản lý thuế cũng là đối tượng điều tra thuế, vì vậy việc điều tra thuế nên để một cơ quan độc lập với cơ quan quản lý thuế thực hiện để đảm bảo tính minh bạch và đúng với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý” – góp ý của Bộ Thông tin và Truyền thông nêu.

Bộ Tài chính vẫn kiên quyết bảo lưu ý kiến

Dù hầu hết các ý kiến đóng góp đều không đồng tình nhưng Bộ Tài chính vẫn cho rằng, việc bổ sung quyền khởi tố, điều tra thuế cho cơ quan thuế là cần thiết. Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung các chức năng này trong Luật quản lý thuế bản chất là công tác điều tra ban đầu, không chồng chéo với công tác điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng khác.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cho rằng, ở nước ta, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên, theo đánh giá, tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán…

“Cơ quan công an do hạn chế về lực lượng, không chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế, không trực tiếp quản lý thông tin về lĩnh vực này nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường bị chậm trễ dẫn đến truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời” Bộ Tài chính nêu.

Minh họa điều này, Bộ Tài chính dẫn số liệu, trong năm 2017, cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an 2.553 vụ. Tuy nhiên, cơ quan công an chỉ xử lý hình sự 3 vụ, khởi tố 2 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế, chuyển lại cơ quan thuế xử lý hành chính 112 vụ.

Trong khi đó, số vụ cơ quan công an không xử lý là 1.774 vụ; số vụ việc chưa có kết quả giải quyết của cơ quan công an là 2.854 vụ (trong đó có 2.190 vụ việc chưa có kết quả giải quyết từ kỳ trước chuyển sang).

Theo Bộ Tài chính, việc điều tra thuế phải có nghiệp vụ riêng, vì đặc trưng của thuế có liên quan đến hoá đơn chứng từ, sổ sách kế toán nên người thực hiện điều tra bắt buộc phải có nghiệp vụ thì công việc mới đạt hiệu quả cao.

Mặt khác, Bộ này khẳng định, về bản chất, điều tra thuế là việc cơ quan thuế thực hiện quyền tố tụng về thuế trong trường hợp người nộp thuế cố tình trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (trốn thuế, gian lận thuế) với mục đích trục lợi.

“Điều tra thuế mang tính chất điều tra hành chính chứ hoàn toàn không nhằm mục tiêu để khởi tố; cơ quan điều tra thuế hoàn toàn không bắt người mà sẽ phối hợp với điều tra hình sự khi cần thiết.

Điều tra thuế sẽ không phủ định các chức năng điều tra khác, nghĩa là vẫn tồn tại các cơ quan điều tra chống buôn lậu, gian lận của Hải Quan; điều tra hình sự của cơ quan Công An... đồng thời, điều tra thuế còn hỗ trợ các cơ quan điều tra này”, Bộ Tài chính nêu.