Nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT mới

ANTĐ - Hơn 3 tháng sau khi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, nhiều chính sách mới bắt đầu phát huy hiệu quả song vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh. Theo các chuyên gia, nếu chất lượng khám chữa bệnh không được nâng cao thì mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân sẽ không dễ thực hiện.

Nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT mới ảnh 1Bệnh nhân vẫn đổ dồn về các bệnh viện đầu nghành của thành phố

Chưa triển khai được theo hộ gia đình

Sáng 10-3, đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và giảm quá tải bệnh viện. Trước đó, một tổ công tác liên ngành của Vụ BHYT - Bộ Y tế đã thị sát, làm việc trực tiếp với UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và Bệnh viện Đống Đa để tìm hiểu thực tiễn triển khai nội dung trên tại cơ sở. Rất nhiều vướng mắc đã được UBND xã Tân Triều chỉ ra, nhất là khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình. Riêng Bệnh viện Đống Đa đã trình bày với tổ liên ngành của Bộ Y tế đến… 12 vướng mắc khi triển khai Luật BHYT mới, trong đó có những vướng mắc dễ gây bức xúc  như chưa có hướng dẫn về cơ chế thanh toán chi phí tại phòng khám cho người bệnh trái tuyến ngoại trú trước khi nội trú.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến hết năm 2014, Hà Nội có 5,08 triệu người có thẻ BHYT, đạt 71,6% dân số Thủ đô. Việc tổ chức khám chữa bệnh BHYT của Hà Nội luôn gắn liền với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, thành phố cũng đã có nhiều giải pháp nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế tuyến cơ sở, tạo điều kiện và mở rộng mạng lưới y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT. Năm 2014, Hà Nội đã đảm bảo quyền lợi BHYT cho hơn 7,3 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí ước 3,7 tỷ đồng, quỹ BHYT có kết dư. Theo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, Hà Nội đặt kế hoạch hết năm 2015, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 75%, đến năm 2020 đạt 85%. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu này không hề đơn giản. 

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, thực tế trong quá trình triển khai Luật BHYT sửa đổi, bổ sung trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã nảy sinh khá nhiều vướng mắc liên quan đến phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với một số cơ sở y tế; vướng mắc trong đảm bảo quyền lợi đối với trường hợp khám chữa bệnh sản khoa có giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh… Đặc biệt, theo quy định của Luật BHYT thì UBND xã, phường có trách nhiệm rà soát, lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa có kinh phí hỗ trợ nên việc triển khai gặp khó khăn.

Bệnh nhân trái tuyến vẫn đông

Một trong 3 điểm mới căn bản của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung là quy định không thanh toán cho các đối tượng khám chữa bệnh ngoại trú trái tuyến, vượt tuyến, nhằm giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Thế nhưng thực tế 3 tháng triển khai vừa qua, chính sách này chưa tạo ra nhiều biến chuyển. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện lượng bệnh nhân ngoại trú vượt tuyến đến khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn rất đông, không hề giảm dù họ biết không được BHYT thanh toán. Chẳng hạn ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi ngày bệnh viện vẫn tiếp nhận trên 400 bệnh nhân vào khám, điều trị, hầu hết là trái tuyến. 

TS Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình trạng quá tải vẫn xảy ra ở một số khoa của một số bệnh viện tuyến thành phố, do người bệnh có xu hướng đổ dồn về các bệnh viện đầu ngành. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh -Bộ Y tế cho rằng, để hướng đến BHYT toàn dân thì quan trọng nhất là chất lượng khám chữa bệnh phải được nâng cao bởi nếu chất lượng khám chữa bệnh không tốt thì người bệnh dù có thẻ BHYT cũng không dùng mà sẵn sàng bỏ tiền để đến nơi chất lượng điều trị tốt hơn.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đánh giá cao sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật BHYT và giảm tải bệnh viện của Hà Nội, đồng thời đề nghị thành phố cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn và triển khai nhiều giải pháp để công tác này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Về phía Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cam kết, TP sẽ nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng điều trị, nâng cao vị thế của ngành y tế Thủ đô, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Song để thực hiện được mục tiêu đề ra, Hà Nội đề xuất Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tính toán, hướng dẫn và cho phép Hà Nội thực hiện một số chính sách BHYT phù hợp với đặc thù, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực này.

 Viện phí có thể tiếp tục tăng

Liên quan đến đề xuất của Hà Nội về viện phí, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong năm nay, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam xem xét, tính toán điều chỉnh viện phí lên một mức nữa. Dự kiến hướng điều chỉnh là sẽ bổ sung thêm một yếu tố nữa trong 7 yếu tố cấu thành viện phí. Hiện tại, dù viện phí đã được điều chỉnh song mới chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành, 4 yếu tố còn lại vẫn được Nhà nước bao cấp.

Từ chối chi trả hơn 12,6 tỷ đồng BHYT cho các bệnh viện

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra vướng mắc trong thực hiện Luật BHYT được TP quan tâm đẩy mạnh, góp phần phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh. BHXH TP đã kiểm tra 114 cơ sở khám chữa bệnh BHYT của Thủ đô, qua kiểm tra đã từ chối chi trả hơn 12,6 tỷ đồng. Mặt khác đã kịp thời giải quyết nhiều đơn thư, khiếu nại của đối tượng tham gia BHYT; ngăn chặn không để xảy ra tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, thuốc, trục lợi quỹ BHYT.