Nhiều vướng mắc trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

ANTD.VN -  Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội vào chiều nay 28-5, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, kinh doanh yếu kém dẫn đến thua lỗ, có tình trạng lợi ích nhóm nên chậm trễ và thiếu trách nhiệm trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)…

ĐBQH Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận tại hội trường

Theo ĐB Nguyễn Anh Trí, ở nội dung cổ phần hoá DNNN có 5 vướng mắc trong đó cơ bản do chưa có thời gian sắp xếp; vướng mắc của công tác quản lý, do năng lực quản lý điều hành của cán bộ quản lý còn yếu kém…

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, nguyên nhân chậm tiến độ và kém về hiệu quả, trước hết do thiếu quyết liệt, quyết tâm vào cuộc cổ phần hóa… người có trách nhiệm vào cuộc cổ phần hóa còn mơ hồ, thiếu quyết tâm và hơn thế nữa là lo lắng về vị trí vai trò sau cổ phần hóa.

Đối với nội dung quản lý vốn, tài sản của Nhà nước, ĐB Nguyễn Anh Trí cũng đưa ra 5 nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là hiện tượng “đầu chuột đuôi voi” về kinh phí đầu tư cho các dự án vừa qua.

 “Vừa qua, cử tri giật mình về dự án nạo vét sông Sào Khê với kinh phí phê duyệt ban đầu 72 tỷ đồng, nhưng sau đó nợ dần lên đến gần 2.600 tỷ đồng”, ĐB Nguyễn Anh Trí cho biết.

“Có thể nói, cả thế giới khó tìm gia loại bột nở nào làm nở kinh phí đầu tư ban đầu chỉ là con chuột, nhưng sau đó trở thành con voi. Thế nhưng ở Việt Nam thì không thiếu dự án đường xá, cầu cống, nhà máy, trường, tượng đài, bệnh viện… hàng trăm, nghìn tỷ nợ dần lên như vậy. Như thế Chính phủ lấy kinh phí ở đâu bù vào. Ngân sách hàng năm được Quốc hội thông qua, đã phân bổ hết, tại sao lại làm khó Chính phủ”, ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu.

Nói về các dự án chậm tiến độ, ĐB Nguyễn Anh Trí cho biết, thực tế hầu hết các dự án của Nhà nước đều chậm tiến độ vì rất nhiều lý do như thiếu kinh nghiệm, thiếu quyết tâm, phương pháp làm việc thậm chí là thờ ơ, thiếu trách nhiệm… Việc làm này đã làm chậm tiến độ, gây lãng phí, mất cơ hội.

“Đầu tư các dự án nhưng không hiệu quả khá phổ biến, giai đoạn 2011-2016 cho thấy có 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn mà Bộ trưởng Bộ Công thương đã thẳng thắn thừa nhận. Trong 12 dự án đến nay mới chỉ có 2 dự án đã bước đầu khắc phục được tồn tại đi vào hoạt động thương mại trở lại”, ĐB Nguyễn Anh Trí dẫn chứng.