Nhiều “vùng cấm” mơ hồ, doanh nghiệp lúng túng đặt tên

ANTĐ - Ngày 25-11 tới, Thông tư “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục” do Bộ VH- TT&DL ban hành sẽ chính thức có hiệu lực. Với những điều khoản được cho là mơ hồ, áp đặt chủ quan và vô cùng rắc rối, Thông tư nhận được khá nhiều ý kiến không đồng tình.

Nhiều “vùng cấm” mơ hồ, doanh nghiệp lúng túng đặt tên ảnh 1Hệ thống nhà sách Nguyễn Văn Cừ có từ Nam tới Bắc, liệu có phải đổi tên nếu Thông tư có hiệu lực?

Rắc rối và mơ hồ

Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL gồm 5 điều với đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân đăng ký doanh nghiệp và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Theo văn bản này, đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc, ngoại trừ các trường hợp đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của người thành lập doanh nghiệp thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trên giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp. 

Ở khoản c, điều 2, trường hợp đặt tên doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép. Thông tư này cũng quy định không sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên các nhân vật lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ. Đồng thời, việc sử dụng tên nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc cũng bị cấm. Và để góp phần “lành mạnh hóa các hoạt động của doanh nghiệp”, bắt đầu từ việc đặt tên, Bộ VH-TT&DL cũng có các điều khoản cấm như: không sử dụng từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác và tệ nạn xã hội; Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, lăng mạ, bôi nhọ, khiếm nhã đối với các tổ chức cá nhân khác; Sử dụng từ ngữ ám chỉ sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc, kỳ thị vùng miền…

Thế nào là danh nhân?

Thông tư của Bộ VH-TT&DL vừa được ban hành rất ngắn gọn, chưa hết 2 trang giấy. Nhưng có lẽ, để hiểu được từng câu từng chữ và thực hiện theo đúng tinh thần thông tư hẳn sẽ phải tốn thêm rất nhiều giấy mực, thời gian và công sức. Ví như việc không được đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân, vậy thì thế nào là danh nhân. Danh nhân nước ngoài có được tính vào đây không? Nếu cứ để mặc doanh nghiệp loay hoay mà đặt tên thì kiểu gì cũng “phạm húy”. Liệu Bộ VH-TT&DL có phải ra thêm một cái gọi là  “Bản danh sách danh nhân” để các doanh nghiệp đối chiếu, thêm vào đó là cả danh sách những nhân vật phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ từ khi khởi thủy cho đến ngày nay. Trong lịch sử, không thiếu những nhân vật công- tội ngang nhau. Công thần triều này, nhưng lại là tội đồ của triều đại kia, Bộ VH-TT&DL tính thế nào? 

Việc không cho sử dụng tên danh nhân, tên địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược đặt tên cho doanh nghiệp cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp rắc rối lớn khi tên của họ gắn với các thương hiệu lớn tồn tại mấy chục năm thậm chí cả trăm năm qua. Nếu Thông tư có hiệu lực, không lẽ Công ty Bia Sài Gòn phải đổi tên? Còn Công ty cơ điện Trần Hưng Đạo, Công ty cơ điện Trần Phú… sẽ tính thế nào? Những cơ sở lấy tên đường phố mang tên danh nhân như: Nhà sách Nguyễn Văn Cừ, kính mắt Nguyễn Du… sẽ xử trí ra sao?

PGS.TS Trần Lâm Biền cho biết, bản thân ông cũng chưa hiểu theo Thông tư này thì “danh nhân” sẽ được xác định thế nào. Từ trước tới giờ trên văn đàn chưa có một cuộc bàn luận “thế nào là danh nhân”, các nhà nghiên cứu sử học, nhà nghiên cứu văn hóa cũng chưa bao giờ bàn về danh nhân cả. Mà nếu muốn định nghĩa “danh nhân” thì chắc chắn nó sẽ tốn rất nhiều giấy mực. GS Nguyễn Quang Ngọc- Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội cho biết thêm: Theo định nghĩa,  “danh nhân” là người nổi tiếng, mà chuyện nổi tiếng vốn rất vô cùng. Ví dụ với cái làng của tôi, thì có khi tôi chính là một người nổi tiếng, nhưng với huyện, với tỉnh thì tôi chẳng là gì, chẳng ai biết tôi. Quanh chuyện đặt tên này, điều cần nhất là phải đưa ra được những tiêu chí xác định cụ thể: thế nào là “danh nhân” chứ không thể chỉ nói chung chung, gây khó cho đối tượng điều chỉnh. 

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH-TT&DL Ninh Thị Thu Hương: Việc xác định danh nhân vẫn đang mắc mớ

Việc không được dùng tên danh nhân để đặt tên cho doanh nghiệp đã được quy định tại Nghị định số 43 của Chính phủ ban hành vào ngày 15-4-2010, không phải chúng tôi tự nghĩ ra. Thông tư chỉ áp theo đúng nghị định thôi. Ai là danh nhân và thế nào thì được gọi là danh nhân không phải là phạm trù điều chỉnh của thông tư và cũng không thuộc thẩm quyền của Bộ VH-TT&DL vì đây là vấn đề rất lớn của đất nước. Đến giờ phút này, ai là danh nhân cũng chưa được xác định nên thông tư này không thể áp dụng khi chưa xác định được đối tượng nào là danh nhân. Vì thế doanh nghiệp vẫn hoạt động, có ai cấm được doanh nghiệp việc đặt tên là gì đâu. Nghị định 43 chỉ yêu cầu phân cấp thẩm quyền của Bộ VH-TT&DL là ban hành thông tư như đã có, còn việc xác định danh nhân không thuộc thẩm quyền và đang mắc mớ ở nhiều vấn đề. Bản thân tôi cũng không trả lời được vì sao không khả thi việc xác định ai là danh nhân. Trước đây, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ VH-TT&DL làm nghị định quy định về tên danh nhân nhưng khi làm thì vướng, chưa thể làm được. Chúng tôi thực sự không muốn ban hành thông tư nhưng luôn bị công văn từ trên buộc phải ban hành.

Luật sư Nguyễn Văn Hà - Văn phòng Luật sư Hà Lan và Cộng sự: Còn chỗ chưa phù hợp

Việc không được đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân quy định trong Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL là quy định không mới bởi trong Nghị định 43/2010/NĐ-CP đã quy định tại khoản 3 điều 14. Tuy nhiên, cách giải thích về việc đặt tên danh nhân trong Thông tư 10 lại không hợp lý, thậm chí giải thích trái với Nghị định 43. Ví dụ như quy định tại điểm c khoản 1 điều 2 của Thông tư 10 quy định “Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép”. Quy định này là trái với quy định tại điều 15 của Nghị định 43. 

Thông tư 10 và Nghị định 43 không có quy định nào về việc những doanh nghiệp đã có tên theo địa danh thì phải đổi tên. Chính vì vậy, những doanh nghiệp như Bia Sài Gòn, Khu CN Dầu Tiếng... không phải đổi tên. Cũng phải nói thêm rằng, tại khoản 2 điều 2 của Thông tư 10 quy định không được sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược để đặt tên doanh nghiệp là không phù hợp vì dù ở giai đoạn nào, hòa bình, độc lập hoặc bị xâm lược thì tên đất nước, tên địa danh đó cũng vẫn là cái tên tồn tại trong lịch sử Việt Nam và khi doanh nghiệp đặt tên thì hoàn toàn không xâm hại gì đến truyền thống lịch sử của dân tộc.