Nhiều tuyến đường mới của Hà Nội thiếu cây xanh nghiêm trọng

ANTĐ - Chỉ lác đác vài cây con còi cọc, thậm chí không có cây xanh, đó là thực trạng trên nhiều tuyến đường mới mở của Hà Nội. Nếu so sánh diện tích của Hà Nội xưa, nay đã tăng gấp hơn 4 lần, sẽ thấy: nếu không có một đề án kịp thời thì Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng.

Thiếu và yếu

Theo thống kê của Công ty THHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội (Công ty Công viên cây xanh) – đơn vị được giao quản lý hệ thống cây xanh của 9 quận nội thành thì hiện nay số lượng cây xanh thuộc phạm vị trách nhiệm quản lý của đơn vị này là 45 nghìn cây, nhưng lại chủ yếu tập trung ở 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Phần còn lại chỉ có rất ít hoặc nếu có thì toàn cây nhỏ chưa đủ đáp ứng tiêu chuẩn “xanh” của đô thị.

Trong cuộc họp đóng góp ý kiến dự thảo quy hoạch hệ thống công viên cây xanh cho Hà Nội hồi tháng 11 năm ngoái, chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã nhấn mạnh: “Hà Nội có bề dày lịch sử với đặc trưng là đô thị xanh được cấu tạo bởi hệ thống cây xanh với tỷ lệ lớn. Mặc dù thời gian qua, thành phố đã đầu tư kinh phí lớn để cải tạo nâng cấp xây dựng mới công viên, vườn hoa, hồ nước, nhưng tỷ lệ cây xanh mặt nước của Hà Nội nhất là trong khu đô thị lõi vẫn còn rất thấp, lại phân bố không đồng đều. Bên cạnh đó công tác quản lý còn nhiều bất cập, yếu kém, ý thức của người dân còn hạn chế”. 

Mặc dù trước và sau đó, ngay cả trong quy hoạch Hà Nội, vấn đề dành diện tích để trồng cây xanh cũng được nhiều người vạch ra nhưng đến nay câu hỏi ai sẽ là người thực hiện và thực hiện ra sao thì vẫn chưa có lời giải đáp. Ngay cả bản thân 9 quận nội thành – nơi vẫn được coi là khu vực được “phủ xanh” của Hà Nội – mật độ dân số ở một vài quận đạt quá cao, diện tích bình quân đầu người chỉ từ 26-31m2/ người. Với mật độ này việc ăn ở đi lại còn khó khăn thì việc trồng thêm cây xanh đường phố là khó thực hiện. 

Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng – Giám đốc Công ty Công viên cây xanh, một trong những lý do khiến việc phủ xanh cho Hà Nội gặp nhiều khó khăn là ngoài các đường phố mới và những dãy phố cũ to đẹp thì hầu hết các đường phố còn lại đều có đặc điểm chung là vỉa hè hẹp gây khó khăn cho thiết kế và bố trí trồng cây. Mặt vỉa hè luôn bị lấn chiếm sử dụng và được coi như mảnh đất riêng của những gia đình có mặt tiền đường phố. Bên cạnh đó là hạ tầng còn bất cập, hệ thống dây diện, điện thoại cũng là cản trở lớn bởi theo quy định, những cây bóng mát trồng dưới hệ thống dây này buộc phải chặt tỉa hàng năm, do đó dẫn đến cây cong queo, sâu bệnh, không phát triển được. Mặt khác, các công trình kiến trúc ngày càng cao, nhà mặt phố đều có ban công lấn chiếm không gian khiến cho cây bị hiện tượng “xung quang” có xu hướng đổ ra lòng đường, tán bị lệch rất dễ gãy đổ trong mùa mưa bão. Các công trình ngầm thi công liên tục, việc đào bới lòng đường, vỉa hè thường xuyên đã ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng và tính bền vững của cây.

Cần sớm xây dựng hạ tầng xanh

Việc phủ xanh Hà Nội không chỉ đơn giản cứ tùy tiện đem cây vào trồng là xong, cũng không thể trong ngày một, ngày hai mà đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài – đó là khẳng định của ông Đỗ Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội. Đơn giản là các loại cây phải phù hợp với tiêu chuẩn cây đô thị. Mặt khác, cây xanh không phải là sản phẩm công nghiệp nên nó không có lãi, chi phí rất lớn và đòi hỏi thời gian sinh trưởng, phát triển lâu dài. Theo thống kê, trung bình một cây xanh thời gian từ lúc ươm giống cho đến lúc đạt tiêu chuẩn để đưa ra hè phố trồng phải mất ít nhất từ 8-12 năm. Nếu phát triển theo quy hoạch đô thị Hà Nội thì cây xanh cần phải có mặt theo các tuyến đô thị đã được xây dựng, ít nhất là tới vành đai 4. Với chừng đó diện tích thì chúng ta cần hàng triệu cây xanh mới. Vấn đề là số cây xanh này sẽ lấy từ nguồn nào? Để đáp ứng được tiêu chuẩn này, cần phải có một hệ thống vườn ươm với các chủng loại cây riêng. Nếu để có đủ nguồn cây xanh cung ứng cho toàn bộ Hà Nội hiện nay thì hệ thống vườn ươm phải rộng hàng chục héc ta.

Nhân tố liên quan trực tiếp đến điều kiện sống của cây xanh, cây bóng mát chính là con người. Đây cũng là đối tượng chịu tác động qua lại và hưởng lợi rất lớn từ cây xanh. Cần xác định rõ sự gắn bó mật thiết và quyền lợi của người dân với môi trường để từ đó nâng cao ý thức tôn trọng, bảo vệ  tốt cho cây cũng là bảo vệ cho chính cuộc sống của mình phát triển và tồn tại.