Nhiều trường "phát sốt" vì cạn kiệt thí sinh

ANTĐ - Đa phần các trường đại học (ĐH) top trên đã “khép sổ” trong đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung đợt 1, trong khi đó các trường top dưới, các trường dân lập và cao đẳng (CĐ) thì vẫn không đủ chỉ tiêu. Trên lý thuyết thi còn tới 2 đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung nữa kết thúc ngày 15-10, nhưng nhiều trường lo lắng vì đến thời điểm này nguồn tuyển gần như đã cạn kiệt. Rất cần những chính sách điều chỉnh để “cứu” các trường ĐH, CĐ top dưới trong những mùa tuyển sinh sau.
Nhiều trường "phát sốt" vì cạn kiệt thí sinh ảnh 1

Thiếu cả nghìn chỉ tiêu

Kết thúc đợt xét tuyển chính thức, 38 trường ĐH công lập top trên đã khép sổ khi “hớt” đủ thí sinh điểm cao. Trong khi đó, đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1, không khí trầm lắng hơn hẳn. Nhiều trường ĐH, CĐ top dưới hy vọng thí sinh sẽ đổ về phân khúc này trong đợt xét tuyển này, nhưng đến ngày kết thúc họ vẫn phải thở dài, rất nhiều trường còn thiếu hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chỉ tiêu xét tuyển. 

Mặc dù là trường công lập nhưng hết đợt xét tuyển bổ sung lần 1, trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội mới chỉ có 800 hồ sơ, còn hơn 1.000 chỉ tiêu phải chờ đợi ở những đợt tuyển sinh còn lại. Trong khi đó trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội năm học 2015-2016 có hơn 4.000 chỉ tiêu thì hết ngày 7-9 nhà trường mới chỉ mới nhận được trên 1.000 hồ sơ xét tuyển, gần 3.000 chỉ tiêu còn lại cũng sẽ phải tuyển tiếp trong các đợt còn lại.

Trường ĐH Dân lập Phương Đông Hà Nội đến hết ngày 7-9 cũng mới nhận được hơn 450 hồ sơ trên tổng số 1.200 chỉ tiêu xét tuyển. Trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội nhận được khoảng 700 hồ sơ trên tổng số 1.200 chỉ tiêu. ĐH Dân lập Đông Đô Hà Nội là 800 trên 1.500 chỉ tiêu.

Tương tự nhiều trường ĐH các tỉnh phía Nam cũng rơi vào tình trạng “ế ẩm” khi thiếu tới 30%-70% chỉ tiêu. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành còn tới gần khoảng 1.500 chỉ tiêu chờ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 và 3 tới. Bà Trần Ái Cầm, Phó Hiệu trưởng nhà trường lo lắng: “Chỉ tiêu còn nhiều, trong khi trường còn lo sợ hồ sơ ảo bởi trong đợt này, thí sinh vừa được nộp một lúc 3 giấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia, vừa lại được xét tuyển thêm hình thức học bạ”.

Tình trạng còn có vẻ “bết bát” hơn ở các trường CĐ. Trường CĐ Thương mại - Du lịch Hà Nội cho biết đến thời điểm này trường mới tuyển được khoảng 500 thí sinh trên tổng số 1.600 chỉ tiêu. Theo đại diện nhà trường thì năm nay, tình hình tuyển sinh bi quan hơn mọi năm rất nhiều, trong đợt tuyển sinh bổ sung lần 1, mỗi ngày phòng tuyển sinh của trường chỉ nhận được vài chục hồ sơ. “Về lý thuyết thì vẫn còn 2 đợt tuyển sinh nữa, nhưng theo tôi sẽ không có gì khả quan, vì đợt bổ sung nguyện vọng 1 Bộ GD-ĐT đã cho phép nộp hết 3 giấy báo điểm, thì đa phần thí sinh sẽ “rải” hết hồ sơ rồi, số thí sinh còn giấy báo điểm nộp vào đợt 3, đợt 4 chắc chắn không nhiều” - một cán bộ tuyển sinh của trường nói. 

Trường CĐ Công nghệ Hà Nội đến nay mới xét tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu nhưng đại diện nhà trường tỏ ra lo lắng vì số lượng nhập học chắc chắn sẽ không được như vậy: “Năm nay lượng hồ sơ ảo nhiều vì thí sinh được nộp vào nhiều trường khác nhau cùng một lúc, vì vậy chúng tôi tuyển được 50% nhưng đến lúc nhập học thì chưa biết thế nào”. Ghi nhận tại trường CĐ Nghề Kinh tế Công nghệ TP.HCM trung bình mỗi ngày trong đợt tuyển sinh lần 2, trường cũng chỉ nhận được khoảng 30 hồ sơ, bằng 1/3 so với cùng thời điểm năm ngoái. Vì thế đến nay trường cũng mới chắc chắn tuyển được khoảng 400 em so với chỉ tiêu tuyển sinh là 1.600. 

Tuyển đủ vẫn lo ảo

Không ít trường ĐH nhận được lượng lớn hồ sơ trong đượt tuyển sinh bổ sung đợt 1 cũng vẫn lo lắng bởi tỷ lệ ảo đợt này dự kiến khá cao. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm nay chỉ tiêu trường tuyển 5.100 thí sinh thì đợt chính thức đã tuyển được 3.000 em. Số hồ sơ nộp vào đợt bổ sung lần 1 lên đến 4.350 hồ sơ, nhà trường đã phải tăng thêm điểm xét tuyển từ 1 - 3 điểm, tùy ngành so với đợt chính thức để chọn thí sinh từ trên xuống.

Sau khi kết thúc đợt tuyển sinh bổ sung dự kiến trường sẽ gửi giấy gọi nhập học cho khoảng 3.200 chỉ tiêu. Dù vậy nhưng trường này sẽ vẫn tiếp tục tuyển sinh trong đợt bổ sung lần 2 đang diễn ra: “Do tỷ lệ ảo trong đợt bổ sung lần 1 khá cao nên trường vẫn phải tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển với khoảng 500 chỉ tiêu”, ThS Nguyễn Quốc Anh - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông cho biết. 

Tại trường ĐH Nông nghiệp đợt 1 tuyển được 5.800 thí sinh, còn thiếu 140 chỉ tiêu ĐH và 630 chỉ tiêu CĐ. Trong đợt nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 trường này thu được những 2.000 hồ sơ nhưng đại diện nhà trường vẫn chưa thể khẳng định có đủ thí sinh hay không. Bởi tỷ lệ ảo ở đợt xét tuyển này có thể lên đến 3-4 lần, do mỗi thí sinh có đến 3 giấy báo điểm và còn có thể nộp bản photocopy.

ĐH Dân lập Thăng Long (Hà Nội) nhận được 1.200 hồ sơ đợt tuyển sinh chính thức thì có 1.120 nhập học (hơn 90%). Trong đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung lần 1, trường này nhận được 1.500 hồ sơ nhưng theo nhà trường thì trong số này trường chỉ dự kiến khoảng 50% sẽ đến học. Trường ĐH Lạc Hồng kết thúc bổ sung đợt 1 nhận được 600 hồ sơ/ 800 chỉ tiêu nhưng trong đợt tuyển nguyện vọng bổ sung lần này này trường dự kiến vẫn phải tuyển sinh thêm khoảng 300 chỉ tiêu vì lo lắng tỷ lệ ảo trong đợt này khá cao.

ĐH “hớt” cả điểm cao, “vét” cả điểm thấp

Theo các chuyên gia, một trong những lý do dẫn đến việc khan hiếm nguồn tuyển cho các trường top dưới là do năm nay Bộ GD-ĐT đã không khống chế chỉ tiêu của các trường công lập trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1. TS. Lê Viết Khuyến, Phó trưởng Ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng nếu như các năm trước, các trường ĐH thường dành khoảng 70-80% chỉ tiêu trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 thì năm nay, hầu hết các trường ĐH top đầu và top giữa đều lấy 100% chỉ tiêu ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT thì kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, cả nước có 38 trường không xét tuyển nguyện vọng bổ sung, tức là các trường này đã lấy hết những thí sinh điểm cao. Số thí sinh điểm cao vừa phải, bị trượt nguyện vọng 1 có thể tiếp tục đang chờ xét vào hệ CĐ của trường mà thí sinh đó đã nộp hồ sơ hoặc chờ sang năm để có cơ hội xét tuyển vào các ngành, nghề ưa thích chứ không nộp vào các trường top dưới. 

Không chỉ được tạo điều kiệt “hớt” hết những thí sinh điểm cao, năm nay, các trường ĐH còn được mở thêm cánh cửa để đón các thí sinh học lực trung bình, khi  có tới trên 150 trường ĐH được xét tuyển học bạ. “Bốn đợt tuyển sinh kéo dài lê thê, cơ hội vào ĐH của thí sinh là rất lớn nên các em chỉ chăm chăm nộp hồ sơ vào ĐH, không đỗ đợt này thì còn các đợt sau.

Bên cạnh đó, những năm trước, các trường ĐH chỉ được tuyển sinh theo kết quả kỳ thi ĐH còn năm nay, nhiều trường ĐH còn được tuyển sinh thêm học bạ (việc này trước chỉ có các trường trung cấp, CĐ). Do đó, nếu thí sinh không đủ điểm sàn 15 điểm để vào ĐH nhưng nếu có điểm học bạ đủ tiêu chuẩn vẫn có thể nộp đơn vào ĐH khiến nguồn tuyển hệ CĐ ngày càng hạn hẹp” - đại diện tuyển sinh trường CĐ Nghề Kinh tế Công nghệ TP.HCM nói.

 

“Chưa đỗ tốt nghiệp đã đỗ ĐH thì làm sao chúng tôi tuyển được!”

Trong khi đó, ngưỡng điểm xét tuyển ĐH và CĐ chênh nhau quá ít cũng khiến các trường CĐ chật vật hơn trong việc tìm kiếm thí sinh. Năm nay, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào CĐ 12 điểm, trong khi ĐH là 15 điểm - chỉ chênh nhau có 3 điểm. Còn nếu xét tuyển theo kết quả học tập THPT thì khoảng cách này còn kéo gần hơn, để được xét tuyển vào ĐH thí sinh chỉ cần đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển là 18, tức là trung bình mỗi môn 6 điểm. Trong khi để xét tuyển vào CĐ, thí sinh phải đạt 16,5 điểm, chỉ thấp hơn ĐH 1,5 điểm. 

Trường CĐ ASEAN là một trong những trường CĐ “đầu tư” vào công tác tuyển sinh khá công phu, nhưng theo đại diện nhà trường thì đến thời điểm này số chỉ tiêu tuyển được không hề khả quan. Mặc dù trường này tập trung đào tạo 2 chuyên ngành rất “hot” là Dược và Điều dưỡng - có cơ hội việc làm lớn sau khi ra trường, nhưng năm nay vẫn bị át đi trước làn sóng xét tuyển của các trường ĐH.

Thí sinh thường cân nhắc cơ hội việc làm sau khi ra trường mà nghe đến ĐH thì vẫn “oách” hơn, thế nên chẳng mấy thí sinh quan tâm đến CĐ khi cánh cửa ĐH luôn rộng mở: “Nếu như năm ngoái tổ chức tuyển sinh thì đến thời điểm này, tuyển được bao nhiêu thí sinh chúng tôi về cơ bản đã nắm được, nhưng năm nay thì hoàn toàn bị động. Từ tháng 3, tháng 4 chúng tôi đã đưa các đoàn giảng viên, sinh viên tình nguyện về tận các trường THPT để quảng bá, học sinh cũng đăng ký, làm giấy xét tuyển.

Nhưng khi chúng tôi gọi lại thì nhiều em nói là đã đỗ ĐH rồi nên không đăng ký nữa, mặc dù thời điểm đó các em chưa thi tốt nghiệp. Nghĩa là chỉ cần điểm học tập 3 môn xét tuyển của các em từ 18 điểm là các em đã gần như chắc chắn đỗ ĐH. Vậy thì chúng tôi lấy đâu ra nguồn tuyển?” - TS Nguyễn Duy Đô, Phó Hiệu trưởng trường CĐ ASEAN cho biết.