Nhiều trường hợp không muốn làm thêm giờ

ANTD.VN -  Đó là chia sẻ của ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) tại phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào chiều 12-6…

ĐB Nguyễn Quang Tuấn phát biểu thảo luận và tranh luận lại quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm

Tranh luận bày tỏ sự không nhất trí với ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP.HCM), ĐB Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, trong luật, người lao động được tự nguyện tham gia và không bắt buộc phải làm thêm giờ.

Theo ĐB Nguyễn Quang Tuấn, bất kỳ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ, làm thêm việc để có thêm thu thập cho gia đình và xây dựng xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, cần đưa ra quy định rõ ràng với một số nghề nghiệp gây nguy hiểm cho nhiều người như lái xe đường dài, lái xe buýt, lái máy bay…

Có thể không cho tăng thêm giờ, thậm chí nên có quy định riêng sau một số giờ làm việc nhất định phải nghỉ bảo đảm sức khỏe, sự tỉnh táo, không gây tai nạn giao thông.

Đai biểu Nguyễn Quang Tuấn nêu: “Hiện nay có trường hợp không muốn làm thêm giờ,  nhưng vẫn phải làm. Một cán bộ Y tế trong 1 tháng làm thêm khoảng 80 giờ, mỗi năm khoảng 1.000 giờ. Với đơn vị thiếu người, đơn vị công lập có bác sĩ ra ngoài làm tư nhân nhiều, thì thời gian làm thêm có thể tăng từ 1.500 - 2.000 giờ”.

“Giờ làm thêm nhiều, nhưng tiền trực lại quá thấp. Cụ thể, với cán bộ Y tế trực suốt ngày đêm tại các đơn vị Y tế loại 1 sẽ được chi trả 115.000 đồng và tại đơn vị loại 2 là 95.000 đồng. Số tiền phụ cấp này không đủ để tái tạo sức lao động”, ĐB Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.