Nhiều trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc ho gà: Chưa có khuyến cáo hạ độ tuổi tiêm phòng

ANTD.VN - Gần 80% trong số bệnh nhân mắc, tử vong do ho gà từ đầu năm đến nay là trẻ dưới 3 tháng tuổi – chưa đến độ tuổi được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh này.

Điều trị cho một trẻ sơ sinh mắc ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Khoảng 2 tháng nay, số trẻ mắc ho gà vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng mạnh, nhiều trẻ nguy kịch, tử vong. Điều này khiến những phụ huynh có con nhỏ lo lắng bởi mùa Đông Xuân chính là mùa của bệnh ho gà.

Số mắc tăng gấp 5 lần cả năm 2016

Số liệu cập nhật tại Bệnh viện Nhi Trung ương tính đến hết tuần vừa qua cho thấy, chỉ 2 tháng trở lại đây, bệnh viện này đã tiếp nhận 55 ca mắc ho gà, tập trung ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ... Trong đó, Hà Nội là địa phương có số mắc cao nhất. Báo của Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 12 ca mắc rải rác ở nhiều quận, huyện.

Cũng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đã có có 3 ca tử vong vì ho gà (ở Hà Nội, Nam Định, Cao Bằng), 2 ca nặng xin về ở Nam Định, Nghệ An. Một số trẻ khác tình trạng bệnh rất nặng, phải thở máy, điều trị trao đổi oxy ngoài màng cơ thể (ECMO) - phương pháp tốt nhất và cũng được xem là biện pháp cuối cùng trong điều trị ho gà hiện nay.

Vaccine Adacel phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván cho người lớn đang được tiêm dịch vụ ở nước ta và bà mẹ mang thai nên căn cứ vào hướng dẫn của cơ quan y tế để quyết định có nên đi tiêm hay không

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số ca được chẩn đoán ho gà nhập viện tăng vọt so với các năm trước. Cụ thể, cả năm 2015 bệnh viện chỉ tiếp nhận hơn 10 ca ho gà, năm 2016 có 12 ca, nhưng chỉ hơn 2 tháng đầu năm 2017 đã có trên 50 ca và dự báo số mắc chưa dừng lại. Đáng chú ý, hầu hết trẻ mắc ho gà, tử vong vì ho gà đều dưới 3 tháng tuổi (chiếm khoảng 80% tổng số bệnh nhân).

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, điều này không bất thường bởi trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đủ liều vaccine (lịch tiêm vaccine phòng bệnh ho gà ở trẻ gồm 3 mũi tiêm, khi trẻ trên 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi, 4 tháng tuổi). Mặt khác, bản thân trẻ không có miễn dịch hoặc không nhận được miễn dịch từ cơ thể mẹ do trước đó sản phụ chưa tiêm vaccine phòng bệnh này. Điều lo ngại nữa là trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà tiến triển nặng lên rất nhanh. Trẻ càng ít tháng mắc ho gà thì tỷ lệ tử vong càng cao.

Thai phụ có thể cân nhắc tiêm vaccine 

Trước thực trạng trên, vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm hiện nay là có thể hạ độ tuổi tiêm phòng vaccine ho gà cho trẻ xuống thấp hơn hoặc có vaccine tiêm phòng ho gà cho thai phụ được hay không? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, đến nay, các tổ chức y tế trên thế giới đều chưa có khuyến cáo hạ độ tuổi tiêm mũi vaccine ho gà đầu tiên cho trẻ xuống dưới 2 tháng tuổi.

Vì thế, Việt Nam cũng không thể hạ độ tuổi tiêm vaccine ho gà mà vẫn khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tiêm đi vaccine đúng lịch, đủ liều... như hiện tại. Còn việc có vaccine phòng ho gà tiêm cho các thai phụ hay không, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thế giới hiện có     vaccine Adacel (phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván) tiêm chung cho người lớn (từ 6-64 tuổi), có thể tiêm cho phụ nữ mang thai. 

“Bộ Y tế đang giao cho một số đơn vị nghiên cứu đối tượng phụ nữ mang thai nào thì nên đi tiêm vaccine này. Theo nghiên cứu cách đây không lâu được áp dụng tại 3 xã của huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), trên 50 phụ nữ (từ 18-35 tuổi) mang thai trong khoảng 20-32 tuần được tiêm Adacel và 50 thai phụ chỉ tiêm vaccine uốn ván, kết quả cho thấy khả năng phòng bệnh ho gà cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ở bà mẹ được tiêm Adacel cao gấp 6,39 lần so với bà mẹ không tiêm” - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.

Được biết, hiện vaccine Adacel đang được tiêm dịch vụ ở nước ta với giá khoảng hơn 600.000 đồng/liều và bà mẹ mang thai nên căn cứ vào hướng dẫn của cơ quan y tế để quyết định có nên đi tiêm hay không. 

Về cách phát hiện sớm và điều trị bệnh ho gà để giảm nguy cơ tử vong, TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh ho gà thường bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh về đường hô hấp khác như viêm phổi, viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên… Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh rất quan trọng.

Cụ thể, ho gà có một số đặc trưng là trẻ ho theo cơn, có thể kèm theo thở khò khè, thậm chí trẻ có thể tím tái, lịm đi hoặc có cơn ngừng thở, sau khi ho trẻ nôn ra đờm trắng, dính nhưng sau cơn ho trông trẻ có vẻ bình thường. Tuy nhiên, ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi, bệnh có thể biến chuyển nhanh và dễ có biến chứng. TS Nguyễn Văn Lâm lưu ý, trong thời điểm này, trẻ 1-3 tháng tuổi nếu bị ho nhiều thì cha mẹ nên đưa đi khám ngay để được chẩn đoán đúng.