Nhiều tổ chức, doanh nghiệp lập website chỉ để “cho có”

ANTĐ - Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam: Hiện trên Internet có rất nhiều thông tin nhưng đều mang tính tự phát, do các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu tự làm để chứng tỏ có trách nhiệm còn thông tin không hấp dẫn.

Thông tin trên được ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ trong cuộc tọa đàm với chủ đề “Tác động của Internet tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam”, tổ chức tại Hà Nội sáng 25-4.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, tại Việt Nam còn thiếu các thiết bị truy nhập ở nông thôn. Có nhiều chương trình về máy tính giá rẻ, hỗ trợ học sinh – sinh viên,… nhưng vẫn gặp rào cản. Sau rất nhiều lời hô hào vẫn chưa thấy thực sự đáp ứng nhu cầu.

Bên cạnh đó, trên Internet hiện có quá nhiều thông tin nhưng thiếu sự hỗ trợ tiếp cận thuận lợi tới những thông tin có ích. Để giải quyết vấn đề này, ông Liên cho rằng, cách tiếp cận thông tin cần phải hấp dẫn hơn, tránh để người dùng dễ sa vào những nội dung số kém hiệu quả như game, vì hiện vẫn đang tranh cãi nhiều về cái lợi và cái hại của game. Các cơ quan quản lý Nhà nước cùng các tổ chức, doanh nghiệp cũng cần có chương trình đưa nhiều nội dung tốt cho cộng đồng người dùng Internet.

Ông Liên cũng cho rằng, hiện có rất nhiều thông tin nhưng đều mang tính tự phát, do các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu tự làm. Với các tổ chức liên quan quản lý Nhà nước thì tổ chức, cơ quan nào cũng có website nhưng lượng thông còn tối thiểu và chưa thực sự lôi kéo người đọc, đem lại lợi ích cho sự phát triển xã hội. Những đơn vị này chỉ lập website để chứng tỏ mình có trách nhiệm, còn thông tin không hấp dẫn.

Trên Internet hiện có quá nhiều thông tin nhưng thiếu sự hỗ trợ tiếp cận thuận lợi
tới những thông tin có ích

Cũng tại buổi tọa đàm, TS. Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng: Khoảng 5 – 10 năm trước, Internet được coi là công nghệ mới, 5 năm sau coi Internet là công cụ giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, còn hiện nay, Internet được xác định là cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, không chỉ mang lại lợi nhuận trực tiếp cho quốc gia mà còn đảm bảo sự phát triển của đất nước, tạo điều kiện cho mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế xã hội phát triển. Nói cách khác, Internet là hạ tầng quan trọng cho sự phát triển của đất nước, giống như hạ tầng điện nước, giao thông…

Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey&Company, tại Việt Nam, Internet mới chỉ đóng góp 0,9% trong GDP, tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc, cao hơn tại Nga nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức 4,1% ở Malaysia, 3,2% ở Ấn Độ và 2,6% ở Trung Quốc. Lý giải về những số liệu này, ông Shaowei Ying, Phó giám đốc văn phòng Singapore, Công ty McKinsey&Company cho rằng: “Thương mại điện tử ở Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển, tuy nhiên thị trường này vẫn chưa được đầu tư khai thác đúng mức", bên cạnh đó là vẫn còn nhiều rào cản trong việc phát triển Internet như: vẫn còn nhiều người chưa biết và chưa sử dụng Internet đặc biệt là vùng nông thôn, rào cản thứ 2 là hơn 70% người sử dụng không dùng tiếng Anh.

Về vấn đề này, ông Lê Nam Thắng cho biết, mới đây, Bộ TT&TT cùng Trung ương Đoàn vừa ký kết hợp tác triển khai Chương trình Kết nối mạng tri thức, huy động hàng triệu đoàn viên trên cả nước cùng truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng cho người dân, đặc biệt nông dân sử dụng máy tính, thúc đẩy Internet…

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang trình Chính phủ xây dựng cương trình hỗ trợ phát triển các thiết bị đầu cuối giá rẻ, đặc biệt smartphone, máy tính bảng giá rẻ… làm sao để người dân có thể tiếp cận đến Internet một cách "kinh tế" nhất.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng khẳng định, các cơ quan quản lý như Bộ TT&TT sẽ thực hiện nhiều biện pháp để phát triển ứng dụng phù hợp văn hóa, ngôn ngữ, trình độ sử dụng của người Việt Nam cũng như là ngăn chặn những tác động xấu từ Internet, làm sao để Internet đem lại lợi ích ngày càng lớn cho đất nước và người dân.