Nhiều thương hiệu lớn đặt nhà máy tại Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm điện tử tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tốc độ tăng trưởng bình quân xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam trong giai đoạn từ 2010-2019 đạt trên 50%, cao nhất thế giới.
Samsung Việt Nam sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm thế hệ mới

Samsung Việt Nam sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm thế hệ mới

Cục Công nghiệp cho biết, mỗi năm Việt Nam sản xuất hàng trăm triệu chiếc điện thoại di động và hàng chục nghìn chiếc tivi để xuất khẩu. Cụ thể, năm 2019, sản lượng sản xuất điện thoại di động đạt 215,2 triệu cái; sản phẩm ti vi ước tính đạt 14.626 nghìn cái. Năm 2019, hầu hết các sản phẩm ngành điện tử tăng trưởng khá cao, đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam năm 2019 đạt trên 87 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn từ 2010-2019 trên 50%, cao nhất thế giới.

Trong 9 tháng năm 2020, sản lượng điện thoại di động và ti vi sản xuất trong nước lần lượt là 163,4 triệu cái và 13,004 nghìn cái. Tính đến hết tháng 9-2020, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử ước đạt khoảng 69 tỷ USD, trong đó điện thoại di động và linh kiện ước đạt hơn 36,6 tỷ USD, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt hơn 32,2 tỷ USD.

Ngoài các sản phẩm trên, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành thiết bị truyền thông và nhóm thiết bị điện tử khác, nhóm ngành điện tử dân dụng có tốc độ tăng trưởng bình quân rất cao.

Theo Bộ Công Thương, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam tăng mạnh là do những năm gần đây, Việt Nam đã có những nhà sản xuất là ODM (sản xuất theo đơn đặt hàng) của các doanh nghiệp điện tử lớn.

Hiện Việt Nam là nơi đặt nhà máy của một số hãng công nghệ lớn như: Samsung, LG, Canon, Intel... với số vốn hàng tỷ USD. Trong đó, riêng mảng sản xuất smartphone hiện có nhà máy Samsung, sản xuất những điện thoại dòng S, dòng Note cao cấp và các sản phẩm phân khúc khác phục vụ thị trường Việt Nam và thế giới.

Mới đây, Foxconn đã chính thức đầu tư dự án sản xuất iPad và MacBook trị giá 270 triệu USD tại Bắc Giang. Foxconn dự kiến tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và đặt mục tiêu doanh thu 40 tỷ USD tại Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, tỷ lệ nội địa hoá ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu.

Do đó, cần doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài để tăng thêm giá trị cho sản phẩm.