Nhiều tập đoàn dược phẩm Mỹ phản đối bỏ sở hữu trí tuệ vaccine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhiều công ty dược phẩm Mỹ vừa lên tiếng phản đối việc chuyển giao công nghệ sinh học y dược nhạy cảm của Mỹ cho Trung Quốc.

Vào hôm 5-5, Tổng thống Joe Biden bày tỏ rằng, ông ủng hộ việc Mỹ tham gia đàm phán tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về vấn đề ngưng bảo hộ độc quyền vaccine như một biện pháp để thúc đẩy nguồn cung vaccine trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc tập đoàn dược phẩm Pfizer, ông Albert Bourla đã bày tỏ quan ngại rằng, đề xuất này sẽ làm gián đoạn tiến độ sản xuất vaccine theo kế hoạch: “Nó sẽ mở ra một cuộc tranh giành khốc liệt các nguyên liệu mà chúng tôi yêu cầu để tạo ra một loại vaccine an toàn và hiệu quả. Các nhà sản xuất ít hoặc không có kinh nghiệm sẽ liên tục tìm kiếm những nguyên liệu này, khiến cho an ninh và an toàn trong sản xuất vaccine rơi vào nguy hiểm”.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin từ chính quyền Mỹ cho biết, nhiều công ty và quan chức cũng bày tỏ lo ngại động thái này sẽ cho phép Trung Quốc đi tắt trong lĩnh vực y tế và xói mòn lợi thế của Mỹ.

Việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine vấp phải nhiều sự phản đối từ các hãng dược phẩm phương Tây

Việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine vấp phải nhiều sự phản đối từ các hãng dược phẩm phương Tây

Ông Joe Biden tin rằng có thể giải quyết mối quan ngại này thông qua các cuộc đàm phán với WTO, tuy nhiên, vẫn tồn tại các quan điểm trái ngược trong nội bộ chính quyền Mỹ.

Theo một số nhà phân tích, việc hạn chế sử dụng công nghệ điều chế vaccine là rất khó. Ví dụ, việc sản xuất vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna dùng công nghệ Messenger RNA, vốn là kỹ thuật mới và hứa hẹn có nhiều ứng dụng ngoài vaccine trong tương lai. Trong khi đó, vaccine của Trung Quốc và Nga không sử dụng công nghệ sinh học này.