Nhiều sản phẩm sạch bị mạo danh

ANTĐ - Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã và đang “mượn” danh sản phẩm sạch để đánh lừa người tiêu dùng, thu lời bất chính. Công tác kiểm soát ATTP hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng, làm “lọt lưới” nhiều loại hàng hóa mạo danh thực phẩm sạch.

Nhiều sản phẩm sạch bị mạo danh   ảnh 1Khó kiểm soát ATTP sản phẩm nông sản từ các nơi đưa về 

Khó kiểm soát thực phẩm từ các tỉnh vào

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho 9 triệu dân Thủ đô, mỗi năm, thị trường Hà Nội cần khoảng 890.000 tấn gạo, xấp xỉ 140.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54.000 tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau… Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 69% nhu cầu thịt gia súc các loại, 32% cá các loại , 97,7% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo tẻ, 60% rau củ tươi và 18% hoa quả tươi... số còn lại do các tỉnh lân cận cung cấp. 

Lượng thực phẩm này tràn vào thị trường Hà Nội bằng nhiều cách và chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, điểm bán lẻ, siêu thị nên việc quản lý chưa được chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ mất ATTP. Bà Nguyễn Thị Ánh Thịnh - Phó trưởng Ban Quản lý chợ Long Biên thừa nhận, chợ Long Biên nhận 200 – 300 tấn hàng/ngày, lại chủ yếu về đêm nên quản lý ATTP gặp nhiều khó khăn, chỉ với giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Ánh Thịnh cho rằng, việc giám sát chất lượng rau, quả từ gốc là rất cần thiết, vì khi đã bán ra thị trường sẽ rất khó kiểm soát.

Trước thực tế này, Hà Nội đã ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố cung ứng thực phẩm để đảm bảo ATTP trên địa bàn Thủ đô. Đến tháng 11-2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NLTS) Hà Nội đã ký kết với 17 Chi cục Quản lý chất lượng NLTS khu vực phía Bắc để cùng hợp tác quản lý chất lượng hàng hóa, ATTP, triển khai mô hình chuỗi cung cấp nông sản. 

Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng NLTS Hà Nội đã kiểm tra 97 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản từ các tỉnh nhập về Hà Nội, lấy 249 mẫu thực phẩm (88 mẫu rau quả, 33 mẫu chè, 56 mẫu thịt, 48 mẫu thủy sản, 7 mẫu mắm, 17 mẫu đậu, ngũ cốc) để kiểm tra ATTP. Kết quả phân tích phát hiện, 11/56 (19,64%) mẫu thịt gà có chỉ tiêu E.coli vượt giới hạn cho phép; 2/88 (2,27%) mẫu rau có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép; 3/48( 6,25%) mẫu thủy sản vượt mức giới hạn cho phép một số chỉ tiêu. 

Rau thường trà trộn với rau sạch

Mặc dù đã có chương trình ký kết hợp tác, nhưng theo Chi cục Quản lý chất lượng NLTS Hà Nội, thông tin về một số cơ sở kinh doanh do các tỉnh cung cấp luôn thay đổi, thiếu chính xác, gây khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, một số sản phẩm tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa được xây dựng thương hiệu, thông tin nhận diện,  chỉ cung cấp theo mùa vụ... nên không dễ kiểm tra, giám sát. 

Ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLTS Sơn La cho hay, hiện nay, sản phẩm nông lâm thủy sản của Sơn La đặc biệt là từ Mộc Châu đưa về Hà Nội rất lớn nhưng chỉ kiểm soát được 20% theo chuỗi, còn lại 80% bán trôi nổi bên ngoài. Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số sản phẩm mạo danh rau sạch Mộc Châu tại thị trường Hà Nội để đánh lừa người tiêu dùng. Cụ thể, Chi cục Quản lý Chất lượng NLTS Hà Nội đã phát hiện sản phẩm cà chua sạch BigGreen mạo danh rau sạch Mộc Châu. Sản phẩm này không nằm trong chuỗi sản xuất an toàn mà được thu mua từ bên ngoài. Vì vậy, theo ông Phạm Thế Cường, việc trao đổi thông tin giữa Hà Nội và Sơn La là rất cần thiết để có thể giám sát chặt chẽ sản phẩm, đảm bảo ATTP. Rau, củ, quả sạch của Hòa Bình thời gian gần đây cũng được tiêu thụ phổ biến trên thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLTS Hòa Bình nhìn nhận, sản phẩm sạch mà đơn vị kiểm soát được chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với lượng tiêu thụ.