Nhiều sai phạm trong tự chủ tại 5 trường đại học lớn

ANTĐ - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng vừa ký thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và 5 trường đại học trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Qua đó đã phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm tại cả 5 trường đại học được thanh tra.

Tuyển sinh trái quy định 

Quá trình làm việc với Bộ GD-ĐT và 5 trường đại học, Thanh tra Chính phủ tập trung vào việc thanh tra trong thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy nhân sự, tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tài chính và công tác quản lý đầu tư xây dựng. Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc rất chậm (năm cuối giai đoạn thực hiện 2011-2013 mới ban hành quyết định). Việc kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị sự nghiệp, công lập của Bộ GD-ĐT cũng rất hạn chế khiến nhiều khuyết điểm, sai phạm tại các trường đại học do Bộ quản lý chưa được phát hiện kịp thời.

Với 5 trường đại học được thanh tra gồm Đại học Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước là Đại học Nông nghiệp 1), Đại học Vinh, Đại học Luật TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM, Thanh tra Chính phủ kết luận cả 5 trường đại học nói trên đều chưa xây dựng phương án tự chủ về bộ máy. Về tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo, một số đơn vị tuyển sinh vượt chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao. Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Huế) mở ngành đào tạo văn bằng 2 chưa có sự đồng ý của Giám đốc Đại học Huế, tuyển sinh đào tạo liên thông đại học hệ chính quy nhưng giảng dạy vào thứ bảy, chủ nhật và dạy vào buổi tối các ngày trong tuần không đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Đại học Nông lâm thuộc Đại học Huế không được giao chỉ tiêu vẫn tuyển sinh hệ liên thông cao đẳng lên đại học chính quy năm 2011 (110 sinh viên). Đại học Kinh tế TP.HCM đào tạo Thạc sĩ kinh tế khóa 20 thời gian vượt quá quy định 1 năm…

Nợ thuế hàng tỷ đồng

Về tự chủ tài chính, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, hầu hết các đơn vị được thanh tra nói trên đều thu vượt, thu ngoài quy định của Nhà nước. Cả 5 trường đại học đều không nộp kịp thời, đầy đủ các khoản thu vào kho bạc để kiểm soát chi theo quy định mà gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại hưởng lãi suất. Một số đơn vị sự nghiệp có số dư tại quỹ phát triển sự nghiệp và tiền gửi ngân hàng tồn quỹ lớn chưa sử dụng trong khi nhu cầu vốn đầu tư xây dựng lớn không được đầu tư, việc đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học ít, gây lãng phí nguồn vốn. Đặc biệt, một số trường chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Cụ thể, Đại học Nông nghiệp Hà Nội chưa kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước số tiền lên đến gần 1,4 tỷ đồng, Đại học Huế chưa nộp số tiền thuế hơn 630 triệu đồng… 

Đề nghị xử lý nghiêm

Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra các trường thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm; sớm xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, định mức chi, định mức kinh tế - kỹ thuật. Trước mắt Bộ GD-ĐT cần quy định rõ nội dung chi, mức chi tối thiểu cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ đào tạo với từng loại hình, khắc phục tình trạng dạy chay, dạy lý thuyết, xa rời thực tiễn.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu các đơn vị hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế Nhà nước với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng xử lý sai phạm trong đầu tư, xây dựng tại 5 trường đại học nói trên với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng và yêu cầu các chủ đầu tư dự án tổ chức rà soát lại hồ sơ các gói thầu chưa được kiểm tra, kiểm toán.

Đối với các khoản lệ phí, học phí thu vượt ngoài quy định, các trường được quyết toán nếu chỉ sử dụng cho hoạt động chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm đầu tư theo đúng quy định hiện hành và quy chế chi tiêu nội bộ… Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh,thành phố có các trường đóng trên địa bàn phối hợp với Bộ GD-ĐT để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm và triển khai tốt hơn Nghị định 43.