Nhiều sai phạm tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết luận thanh tra một số nội dung đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Theo Thanh tra Chính phủ, dự án NMNĐ Thái Bình 2 được Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm đầu mối đầu tư theo Văn bản số 913/VPCP-CN ngày 14/02/2008 của Văn phòng Chính phủ.

Sau khi PVN là chủ đầu tư, ngày 11/10/2011, PVN và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã ký hợp đồng tồng thầu EPC dự án, giá trọn gói là 1.200 triệu USD.

Ngày 26/5/2011, Hội đồng Thành viên (HĐTV) PVN có Quyết định số 4626/QĐ-DKVN phê duyệt điều chỉnh, tổng mức đầu tư (TMĐT) theo phê duyệt điều chỉnh là 34.295,1 tỷ đồng.

Sau khi dự án được bổ sung vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách giai đoạn 2013 - 2020, ngày 04/10/2016, HĐTV PVN có Quyết định số 6175/QĐ-DKVN phê duyệt TMĐT điều chỉnh (lần 2) với giá trị là 41.799,1 tỷ đồng; ngày 16/7/2017, PVN và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã ký Phụ lục hợp đồng số 26 điều chỉnh giá trị hợp đồng là 948,6 triệu USD và 10.709.879 triệu đồng.

Trong quá trình thanh tra, TTCP đã chỉ ra hàng loạt sai phạm ở dự án, cụ thể như việc thông qua chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án NMNĐ Thái Bình 2, PVN và Bộ Công Thương lại đề xuất Thủ tướng Chính phủ quy đổi tổng mức đầu tư dự án về mặt bằng giá năm 2006 là 18.495,5 tỷ đồng để không trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng Quản trị (HĐQT) PVN quyết định đầu tư trong khi dự án NMNĐ Thái Bình 2 được Hội đồng Thẩm định của PVN thẩm định có tổng mức đầu tư 31.505,4 tỷ đồng tại thời điểm quý II/2010, trong đó vốn chủ sở hữu là 30%; trước ngày 1/8/2010, đây là dự án, công trình quan trọng quốc gia, do Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư.

Khi dự án chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, HĐQT PVN lại căn cứ Công văn 800/TTg-KTN do Phó Thủ tướng Chính phủ ký và hồ sơ thẩm định của PVN để phê duyệt quyết định đầu tư dự án (sau thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 và trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực).

Ngoài ra, quá trình thực hiện trình tự thủ tục điều chỉnh dự án lần 1, PVN chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhưng đã thẩm định và quyết định điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 34.295,1 tỷ đồng là thực hiện không đúng quy định tại Khoản 2 Điều 10, Khoản 2 Điều 14 Nghị định 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2 lên 41.799,1 tỷ đồng, do việc điều chỉnh Hợp đồng EPC không đúng Điểm a Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ, thực hiện không đúng Quyết định 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nên việc điều chỉnh TMĐT này là không đúng quy định...

Trách nhiệm của các sai phạm trên thuộc về PVN, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham mưu, đề xuất, chỉ đạo đối với chủ đầu tư dự án.

TTCP sẽ chuyển kết luận thanh tra tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có liên quan tới khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận.

Liên quan đến nhà đất tại 69 Nguyễn Du, theo TTCP, cơ sở nhà, đất tại 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước do Công ty Quản lý và Phát triển nhà thuộc Sở Xây dựng Hà Nội quản lý cho PVN thuê làm trụ sở, đến thời điểm 01/01/2008 hợp đồng thuê hết hạn sau đó chưa ký lại; PVC (công ty con của PVN) trước đó không trực tiếp thuê cơ sở nhà, đất tại 69 Nguyễn Du.

Theo Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước thì thẩm quyền quyết định việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất này thuộc UBND TP Hà Nội.

Việc PVC, PVN, UBND Hà Nội có văn bản gửi Bộ Tài chính trình Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội bán chỉ định cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du cho PVC (đơn vị đang thuê) để xây dựng trụ sở làm việc là không đúng thực tế.

Sau khi mua, PVC không tiến hành đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mà đề xuất và được PVN đồng ý thông qua chủ trương cho phép PVC chuyển nhượng cơ sở nhà đất trên. Sau đó PVC thuê Công ty CP Sông Đà Toàn Cầu tư vấn đấu giá, phê duyệt giá khỏi điểm và ủy quyền cho Công ty Tư vấn bán đấu giá trong khi UBND TP Hà Nội chưa có quyết định giao đất cho PVC là không đúng quy định của pháp luật về đất đai và đấu giá.

Ngày 31/12/2009 PVC ký hợp đồng (không số) chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.

Khi tổ chức đấu giá, công nhận kết quả trúng đấu giá, PVC chưa được UBND TP Hà Nội giao đất, vì vậy việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng là không có cơ sở pháp lý, sai quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 106 Luật Đất đai 2003; Điểm a, Khoản 2, Điều 8; Điểm a, Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 05/2005/NĐ -CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

TTCP khẳng định, trách nhiệm thuộc về PVC, PVN, UBND TP Hà Nội, Bộ Tài chính và cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 69 Nguyễn Du.

Từ đó, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội phối hợp với PVN rà soát để thu hồi và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này.

Đến thời điểm 31/10/2020 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.