Nhiều quyết sách quan trọng được thông qua

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong phiên làm việc sáng 13-11, Quốc hội đã lần lượt biểu quyết thông qua các Nghị quyết quan trọng, gồm Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; các Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022…
Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết

Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết

Năm 2022, ngân sách Trung ương sẽ chi hơn 1 triệu tỷ đồng, phân bổ 10.000 tỷ đồng chống dịch

Với 473/475 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 94,79% tổng số đại biểu tham gia), Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022.

Nghị quyết gồm 4 điều và 7 phụ lục kèm theo, trong đó Quốc hội nhất trí tổng số thu và chi ngân sách Trung ương năm 2022 gồm: Tổng số thu ngân sách Trung ương là 739.132 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 672.568 tỷ đồng. Còn tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.087.032 tỷ đồng, trong đó dự toán 359.982 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Đáng chú ý, năm 2022, phân bổ 10.000 tỷ đồng ngân sách Trung ương cho phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, có ý kiến đề nghị bố trí tăng cho dự phòng ngân sách Trung ương để bảo đảm đáp ứng chi phòng, chống dịch trong năm 2022. Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022 dự kiến là 39.000 tỷ đồng đã ưu tiên bố trí cao hơn năm 2021; dự kiến chi dự trữ quốc gia bố trí 1.700 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng (tương ứng tăng 41,7%) so với dự toán năm 2021; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 đã bố trí riêng 10.000 tỷ đồng chi cho phòng, chống dịch. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, dự toán năm 2022 đã cố gắng bố trí dự phòng ở mức cao hơn. Hơn nữa, nhu cầu chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng đều là những nhiệm vụ cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội chấp thuận phương án như Chính phủ trình. Đồng thời, trong điều hành, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cắt, giảm các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, không có khả năng triển khai, chậm phân bổ trong năm và tăng cường các giải pháp tăng thu nhằm đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai.

Yêu cầu thanh tra, kiểm toán việc sử dụng nguồn tiền phòng chống Covid-19

Với tỉ lệ 96,19% ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV.

Theo nội dung Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đặc biệt, Quốc hội đề nghị trước ngày 1-1-2022 phải ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19.

Cũng trong lĩnh vực y tế, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật trong việc áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, phòng chống bệnh truyền nhiễm, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh, quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế. Cùng đó, khẩn trương nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm Covid-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân; chủ động kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai xét nghiệm Covid-19 bảo đảm đúng quy định về giá của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế được thực hiện nghiêm minh. Mặt khác, Nghị quyết yêu cầu, trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với lĩnh vực lao động thương binh và xã hội, Nghị quyết nêu rõ đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách. Nghị quyết cũng đề nghị, cuối năm nay phải ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội phù hợp với tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương. Ngoài ra, có giải pháp “giữ chân” và “thu hút” lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm…

TP Hải Phòng được Quốc hội cho phép thí điểm 6 cơ chế chính sách đặc thù trong 5 năm tới

TP Hải Phòng được Quốc hội cho phép thí điểm 6 cơ chế chính sách đặc thù trong 5 năm tới

Chính thức lùi cải cách tiền lương, ưu tiên tăng lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995

Với 465/468 đại biểu biểu quyết tán thành, Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 được thông qua với tỷ lệ 93,19% tổng số đại biểu tham gia.

Theo đó, Quốc hội thông qua các chỉ tiêu: Tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2022 là 1.411.700 tỷ đồng; Tổng số chi ngân sách Nhà nước là 1.784.600 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP); Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 572.686 tỷ đồng.

Về thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3, Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Đồng thời, yêu cầu tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ, nhiều ý kiến ĐBQH nhất trí với việc lùi thời điểm cải cách tiền lương. Cũng có một số ý kiến đề nghị cân nhắc nâng lương cho người mới đi làm, nâng mức hỗ trợ cho người hoạt động chuyên trách ở xã, tổ, thôn, bản. Theo báo cáo giải trình, thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường.

Tuy nhiên, hiện nay thu ngân sách Nhà nước khó khăn, chi ngân sách tăng cao, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Vì vậy, trước mắt trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép chưa nâng lương cho người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân đối nguồn lực, sớm thực hiện cải cách tiền lương, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.

Cho phép Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế thí điểm nhiều cơ chế đặc thù

Với 88,58% tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế. Theo đó, Nghị quyết thống nhất cho phép thành phố Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An được thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển; riêng tỉnh Thanh Hóa được 8 cơ chế, chính sách đặc thù.

Cụ thể, Nghị quyết quy định tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh, thành phố được hưởng theo phân cấp.

Đối với Hải Phòng, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Với tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.

Nghị quyết cũng cho phép thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được thực hiện cơ chế: HĐND cấp tỉnh quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Ngân sách thành phố, tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí.

Ngoài ra, Nghị quyết cho phép Huế được thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp quản lý….

Các Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 và được thực hiện trong 5 năm.