Nhiều quan thế, bộ máy sao hết cồng kềnh!

ANTĐ - Một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Gia Lai, thế nhưng mấy ngày qua lại xôn xao dư luận, không phải vì cái sự nghèo khó của một làng, xã nào đó trên địa bàn, mà vì câu chuyện… quá nhiều quan. Có những sở lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, như Sở Xây dựng tỉnh này có 33 cán bộ thì có tới 17 người làm lãnh đạo (1 Giám đốc, 4 Phó Giám đốc và 12 Trưởng, Phó phòng). Hay Sở VH-TT&DL có 45 cán bộ thì có đến 21 người làm lãnh đạo. 

Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đó lại không phải chuyện cá biệt chỉ có ở Gia Lai. Trước đó, năm 2013, tỉnh Nghệ An cũng được biết đến với những Sở “kỷ lục” về tỷ lệ lãnh đạo. Tại Sở Nội vụ tỉnh này có 31 biên chế nhưng có tới 19 lãnh đạo, trong đó có phòng 3 lãnh đạo, nhưng chỉ có 1 nhân viên. Còn Sở NN&PTNT có tới 7 Phó Giám đốc; có những phòng có 15 người thì có tới 1 Trưởng phòng và 6 Phó phòng… Thậm chí, một phòng chức năng cấp huyện có 4 biên chế thì tất cả đều là… sếp.

Lý giải cho việc nhiều sếp, ít nhân viên, đa phần lãnh đạo các sở đều cho rằng do đặc thù của ngành, chẳng hạn do việc sáp nhập giữa các sở hay một sở có nhiều lĩnh vực khác nhau nên phải cần nhiều lãnh đạo và việc bổ nhiệm lãnh đạo đều… đúng quy trình.

Đáng buồn là, Giám đốc Sở Nội vụ Gia Lai Huỳnh Văn Tâm khi trả lời về vấn đề này, sau khi giải thích do sáp nhập 2 Sở Văn hóa và Thể dục thể thao dẫn đến số lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh này tăng, đã khẳng định tình trạng như vậy kéo dài khoảng chục năm, số lượng lãnh đạo như thế “còn thiếu chứ không phải thừa”?! Và rằng  những cấp phó là những cán bộ chưa hết tuổi, “người ta còn đang giữ chức vụ thì bây giờ chả nhẽ cắt chức người ta?”, muốn giảm thì phải đợi những cán bộ này nghỉ hưu. Được biết, trước đó, Sở VH-TT&DL tỉnh này còn có tới 7 Phó Giám đốc nhưng 2 người đã nghỉ hưu nên còn 5.

Nói như ông Giám đốc Sở Nội vụ Gia Lai, thì cơ quan làm công tác nhân sự ở tỉnh này chỉ việc ghép 2 sở vào làm 1 và làm sao để các vị lãnh đạo cũ vẫn yên vị là được?! Ít lãnh đạo hay nhiều thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nồi cơm của họ nên chẳng cần phải suy tính, sắp xếp nhân sự lãnh đạo thế nào cho đảm bảo hiệu quả mà vẫn giúp bộ máy biên chế được tinh giản. Nếu tỉnh nào cũng làm như thế thì quả là nguy!

Chuyện nhiều quan chẳng những khiến bộ máy biên chế cồng kềnh, tiêu tốn ngân sách cho việc trả lương, nguy hiểm hơn có khi nó còn làm rối loạn cơ quan. Nhiều quá thì chắc chắn dẫn đến chồng chéo, có khi đấu đá nhau, hoặc có người lên chức chỉ để “ngồi” chứ chẳng phải làm gì.

Nhưng sợ nhất là các quan chỉ nhăm nhăm lên chức để hưởng lương cao hơn, lại có thể vơ vét bổng lộc. Thế mới có chuyện, mới đây, một Phó giám đốc sở ở một tỉnh nghèo miền Trung ngay sau khi được bổ nhiệm đã tổ chức một buổi liên hoan với biển hiệu, băng rôn chào mừng tưng bừng. Sở này sau lần bổ nhiệm này cũng có tới 5 lãnh đạo cấp phó. Hay chuyện Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa hồi tháng 2 vừa rồi đã “xé rào” ký quyết định bổ nhiệm chính con gái mình vào ghế Phó phòng.