Nhiều phụ huynh không biết con mình thực học ở mức nào

ANTĐ - Cách đánh giá chất lượng đối với học sinh tiểu học, việc triển khai chương trình giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và các kỳ thi quốc gia là những nội dung chính mà các ĐBQH đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận chiều 12-6.

Nhiều phụ huynh không biết con mình thực học ở mức nào ảnh 1
Chỗ khen khắt khe, nơi thưởng  “cả làng”

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) hỏi, để triển khai chương trình SGK mới, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn bồi dưỡng giáo viên… đã được tiến hành như thế nào? Theo Bộ trưởng, để đạt kết quả tốt nhất cần có giải pháp gì? ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn, với chương trình SGK mới, liệu kết quả thử nghiệm do chính tác giả thực hiện và công bố liệu có khách quan? 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, chương trình, SGK mới chỉ có một bộ chương trình chung. Quốc hội đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì việc biên soạn bộ sách này. Việc biên soạn SGK được thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo đổi mới trên cơ sở kế thừa những nội dung tốt, bổ sung những điểm chưa hoàn thiện, loại bỏ cái không cần thiết. Việc triển khai trên thực tế sẽ tuân theo quy trình chặt chẽ, do tổ chức cá nhân có uy tín thực hiện. Tuy vậy, con người là yếu tố quan trọng. Trong nhà trường, thầy cô giáo là yếu tố quyết định nên khi triển khai chương trình, SGK mới phải chú trọng đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ giáo viên.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) chất vấn về việc đánh giá chất lượng học sinh tiểu học theo Thông tư 30 còn nhiều ý kiến trái chiều, nhất là việc khen thưởng đồng loạt ở nhiều trường. ĐB Nông Thị Bích Liên (Hà Giang) hỏi, Bộ trưởng giải thích thế nào về việc nhiều giáo viên cho rằng, khi thực hiện Thông tư 30 công việc nặng nề, vất vả hơn trước?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời, việc đánh giá học sinh một cách thường xuyên bằng nhận xét kết hợp với chấm điểm vào cuối kỳ và cuối năm là bước chuyển phù hợp với thực tế đang được các quốc gia tiên tiến áp dụng nhằm thay đổi việc học của học sinh, từ chỗ học vì điểm số tiến tới học để hoàn thiện kỹ năng, phẩm chất. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai đồng loạt có trục trặc nhỏ, như chỗ khen khắt khe quá, nơi lại khen rộng rãi quá, nhiều gia đình không biết con mình thực học ở mức nào. Bộ sẽ có chấn chỉnh về vấn đề này cho phù hợp. Tuy vậy, kết quả cho thấy, nhờ việc thực hiện Thông tư 30, việc học thêm, dạy thêm đã giảm, tránh được việc phân loại khiến các cháu học yếu tự ti, chán học, bỏ học; các cháu học giỏi chủ quan, tự mãn. 

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, khi triển khai Thông tư 30, nhiều giáo viên cho rằng công việc bị nặng lên do sĩ số các lớp học đông, trong khi nhiều giáo viên còn bỡ ngỡ, chưa quen. Một số quy định cũ dù đã có quyết định hủy bỏ nhưng chưa được thực hiện ở cấp cơ sở, nhiều thói quen cũ chưa thay đổi. Bộ đang tiếp tục giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, để các thầy cô tập trung vào việc giáo dục học sinh.

Tăng bạo lực học đường do đâu?

Một số đại biểu đặt câu hỏi: Nguyên nhân nào khiến sinh viên ra trường thất nghiệp quá nhiều? Cơ cấu ngành nghề tuyển sinh của các trường dựa trên cơ sở nào hay để các trường tự quyết định? Đây có phải là lý do khiến nhiều trường hiện nay chẳng khác nào trường ĐH tổng hợp?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, chất lượng đào tạo một số trường thấp, mới chú trọng trang bị kiến thức, chưa chú ý dạy cho sinh viên các kỹ năng, trong đó có kỹ năng tạo việc làm. Về cơ cấu ngành nghề tuyển sinh, chỉ những trường được phép tự chủ tài chính thì mới có thể  cho phép tự mở ngành đào tạo, còn lại do Bộ GD-ĐT quyết định. Với những ngành đã bão hòa như quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, điều dưỡng, Bộ đã có cảnh báo dừng mở các ngành này ở các trường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, với trường có ngành học kể cả đào tạo sau ĐH thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng, Bộ kiên quyết không cho tiếp tục đào tạo nữa.

Trước băn khoăn của một số đại biểu về việc tổ chức kỳ thi 2 trong 1 có thể tạo ra sự thiếu công bằng giữa các cụm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, việc tổ chức thi theo cụm đã được triển khai nhiều năm nay tại một số điểm như TP Cần Thơ, TP Vinh… Năm nay, kỳ thi này sẽ được triển khai ở 38 cụm. Báo cáo chung cho thấy, các ban - ngành ở các địa phương đã có sự vào cuộc rất quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Để đảm bảo công bằng, 2 giải pháp chính được đề ra là: Quy chế quy định chi tiết những việc thí sinh được làm và không được làm, cùng 1 đề thi có ba-rem điểm chi tiết; các Hội đồng thi sẽ triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, phúc tra không chỉ sau kỳ thi, chấm thi mà ngay cả khi các em học sinh đã vào học tại các trường. Việc đổi mới kỳ thi nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

ĐB Phạm Thị Trung (Kon Tum) đặt câu hỏi, nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực học đường gia tăng? ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chất vấn, số liệu thống kê cho thấy, số học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt càng lên bậc học cao càng giảm, còn bạo lực học đường ngày càng nhiều. Xin Bộ trưởng đánh giá về chất lượng giáo dục đạo đức công dân trong các cấp học?

Về nội dung trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời, do các trường đã quá chú trọng vào việc dạy chữ, trang bị kiến thức cho học sinh, chưa chú ý trang bị về các kỹ năng, việc dạy người. Bởi vậy, Bộ GD-ĐT đã có quyết định chiến lược: Chú ý phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, hỗ trợ tạo điều kiện để trẻ hình thành kỹ năng tự học, trải nghiệm thực tế. 

Hôm nay 13-6, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn.

Ông Trần Hoàng Ngân, ĐBQH TP.HCM:

Bộ trưởng trả lời khá rõ ràng

Ngành giáo dục lâu nay vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của không  chỉ các ĐBQH mà cả cử tri. Trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời khá rõ ràng những vấn đề ĐBQH nêu. 

Tôi kỳ vọng Bộ trưởng với tư cách là “tư lệnh” ngành, tiếp tục có những giải pháp, biện pháp đưa giáo dục nước nhà phát triển mạnh mẽ, bền vững, làm sao để vấn đề giáo dục phải được hỗ trợ, xã hội hóa ngay cả từ phía gia đình và xã hội. Tức là, có sự tham gia của gia đình, các tổ chức chính trị xã hội, cùng với ngành Giáo dục. Khi đó, mới đảm bảo được sự phát triển giáo dục một cách toàn diện.    

Ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm 
Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ĐBQH TP Hà Nội):

Câu trả lời làm yên lòng dân

Trả lời câu hỏi thứ nhất của tôi về 2 đề án mang tính đổi mới: Đề án đào tạo đội ngũ giáo viên và Đề án xây dựng cơ sở vật chất, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói ưu tiên làm ngay cơ sở vật chất, còn vấn đề giáo viên khi nào phê duyệt chương trình đổi mới sách giáo khoa xong mới bồi dưỡng, tôi e hơi muộn, cần làm sớm hơn. 

Về kỳ thi THPT Quốc gia, người dân lo lắng về kết quả thi vì những năm trước do địa phương và các trường THPT tổ chức, tỷ lệ đỗ lên tới 98, 99%. Nhưng năm nay tổ chức thi do các trường đại học thực hiện nên tôi e các trường sẽ đòi hỏi cao hơn, cơ hội đỗ tốt nghiệp thấp hơn những năm trước. Nếu thấp quá có thể gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, Bộ trưởng có nói một câu tôi cho là rất yên lòng người dân: “Đổi mới nhưng không gây sốc”. Nghĩa là đổi mới nhưng vẫn giữ lại những yếu tố làm người dân yên tâm. Tôi hy vọng lần này sẽ đổi mới về phương pháp là chính, đồng thời đánh giá kết quả nên cân nhắc đảm bảo mặt bằng chung xã hội.

Băng tâm - Hà Trang (Ghi)