Nhiều người vẫn mắc trò lừa của các đối tượng giấu mặt tự nhận là công an

ANTD.VN - Dù không hề liên quan đến bất kỳ hành vi phạm pháp hình sự nào nhưng khi chỉ nghe vài câu dọa nạt của những kẻ giấu mặt, không ít người đã “sập bẫy” lừa đảo...

Từ kết quả điều tra, TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Trần Anh Tôn (SN 1990, trú ở xã Việt Thành, Trấn Yên, Yên Bái) và Dương Văn Tân (SN 1990, ở xã Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc,Thanh Hóa) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Liên quan đến vụ án còn có Lê Đăng Long (SN 1988, ở Thanh Hóa) nhưng hiện đang bỏ trốn.

Theo cáo trạng truy tố, Trần Anh Tôn và nhóm bạn, trong đó có 2 đối tượng nêu trên đều không có nghề nghiệp và thuê nhà sống không cố định trên địa bàn Hà nội. Giữa tháng 6-2017, Tôn được một người bạn (không rõ lai lịch) giới thiệu làm quen với hai nam thanh niên quê ở Thái Bình (chưa rõ nhân thân).

Trần Anh Tôn và đồng phạm tại phiên tòa phải trì hoãn.

Gặp gỡ, nói chuyện, Tôn được hai thanh niên cho biết đang có nhu cầu mượn tài khoản ngân hàng để nhận và rút tiền làm ăn từ nước ngoài chuyển về. Hai thanh niên quê Thái Bình cũng hứa hẹn sẽ trả cho người Tôn hoặc chủ tài khoản 10% trên tổng số tiền rút được.

Thấy lợi nhuận cao nên Tôn bàn với nhóm bạn thuê nhà ở cùng là sẽ mở tài khoản ngân hàng để rút tiền cho các đối tượng người Thái Bình. Ngay sau đó, ngày 16-6-2017, Phạm Ngọc Sơn (SN 1991, trú ở Ninh Bình) và Tân đã mở tài khoản ở Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV).

Cùng thời điểm (ngày 15-6-2017), chị Nguyễn Thị Thu H (SN 1976, ở Thanh Oai, Hà Nội) nhận được một cuộc gọi từ số máy cố định với thông báo chị này đang nợ tiền cước điện thoại lên đến gần 9 triệu đồng. Chị H. thắc mắc thì đầu dây bên kia nối máy cho gặp đối tượng tự xưng là Phú công tác ở phòng PC 45- Công an tỉnh Quảng Ninh.

Nói chuyện với chị H, Phú dọa nạt rằng chị H đang liên quan đến một vụ buôn bán ma túy lớn, rồi tiếp tiếp tục nối máy cho người phụ nữ này gặp “sếp” để trao đổi. Kẻ giấu mặt tiếp theo tiếp tục dọa dẫm rằng chị H đang đứng tên một tài khoản ngân hàng và đã nhận 160 triệu đồng tiền hoa hồng trong vụ buôn ma túy.

Quá hoang mang trước những thông tin của những đối tượng tự nhận là công an đưa ra, chị H cứ thế răm rắp nghe theo lời các đối tượng này khi tới ngân hàng chuyển toàn bộ số tiền 350 triệu đồng từ tài khoản tiết kiệm của mình vào tài khoản do bọn chúng cung cấp mang tên Dương Văn Tân.

Về phía đồng phạm của những kẻ lừa đảo giấu mặt, khi thấy điện thoại báo biến động số dư tài khoản, Tân và Sơn đã rút số tiền chị H chuyển đến, rồi giao cho hai đối tượng người Thái Bình. Thực hiện xong vụ thứ nhất, cả hai nhận số tiền 35 triệu đồng “tiền công”.

Gần 1 tuần sau, các đối tượng tiếp tục nhờ nhóm của Tôn rút tiền. Lần này cả bọn thống nhất dùng tài khoản đứng tên Lê Đăng Long để rút hộ số tiền 800 triệu đồng.

Ngoài 2 lần rút tiền trên, Tôn còn khai nhận còn có một lần Sơn tự liên hệ với những đối tượng giấu mặt để đi rút 400 triệu đồng và được chia 40 triệu đồng. Sau những lần rút tiền, Tôn chia cho Sơn và Long từ 2 đến 5 triệu đồng, số còn lại các đối tượng chi tiêu sinh hoạt chung.

Giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo đã có hành vi giúp sức cho các đối tượng khác sử dụng thủ đoạn gọi điện thoại cho bị hại nói liên quan đến tội phạm, đe dọa bắt ép phải gửi tiền vào các tài khoản do nhóm Tôn cung cấp. Các bị cáo đã chiếm đoạt tiền của các bị hại số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Đối với hai đối tượng người Thái Bình cũng như những kẻ trực tiếp giả danh công an gọi điện dọa nạt các bị hại, do chưa xác định được lai lịch của các đối tượng này nên cơ quan điều tra đã quyết định tách rút hồ sơ, tài liệu để tiếp tục xác minh và xử lý sau...

Mặc dù đã đưa Trần Anh Tôn và đồng phạm ra xét xử sơ thẩm về tội danh nêu trên, song khi phiên tòa mở ra thì các bị hại trong vụ án vắng mặt. Để bảo đảm quyền lợi cho các bị hại nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định rời phiên xử sang một ngày khác.