Nhiều người nhập cư Hy Lạp "bán thân" để tồn tại

ANTĐ - Lần đầu tiên Abdullah (tên nhân vật đã thay đổi) bán dâm là chỉ 2 tuần sau khi anh đến Athens, Hy Lạp. Chàng trai 19 tuổi này sống tại một sân bay bỏ hoang cùng hàng nghìn người nhập cư Afghanistan khác. Cũng giống như Abdullah, không có tiền, nhiều thanh niên trẻ nhập cư vào Hy Lạp phải chấp nhận “bán thân” để tồn tại.

Nhiều người nhập cư Hy Lạp "bán thân" để tồn tại ảnh 1Thanh niên nhập cư thường tìm đến các địa điểm công cộng ở Athens để giải khuây

Góc khuất công viên 

Sau khi tới Athens được 1 tuần, đám bạn rủ Abdullah đến Pedion tou Areos, công viên công cộng chính của Athens. “Đó là một nơi dơ bẩn, có người sử dụng ma túy công khai, lại có rất nhiều người lạ”, Abdullah nói. Một số thanh niên nhập cư được những người đàn ông lớn tuổi đến gần trò chuyện. Đó cũng là lúc bạn bè Abdullah nói thẳng toẹt với anh rằng, họ đến công viên để “vui vẻ” với những người này, sau đó sẽ được trả tiền. 

Abdullah cảm thấy sốc nhưng rồi nghĩ lại, anh thấy cần phải làm gì đó để có tiền tiêu. Và anh đã ở lại công viên vài giờ sau đó để “chiều” một người đàn ông trung niên trong khu rừng gần đó để đổi lấy 20 euro. “Tôi không có việc làm, không có tiền, thậm chí 20 cent cũng không có. Chỉ có thể bán ma túy, bán dâm hoặc tìm kiếm khách hàng cho bọn buôn lậu, không có cách nào khác”.

Stratos - một gái mại dâm Hy Lạp thường xuyên có mặt tại công viên Pedion tou Areos cho biết, trước kia “đồng nghiệp” của chị là những người Đông Âu nhưng từ mùa hè năm ngoái tới nay, nhiều thanh niên Trung Đông và Nam Á xuất hiện. Họ chỉ chưa đầy 25 tuổi. Giá cho mỗi lần “đi khách” ở đây vào khoảng 10 euro nhưng 1 hướng dẫn viên tự nhận mình là khách hàng thường xuyên nói rằng nếu biết mặc cả, giá có thể bớt 2 euro. “Vài chàng trai cảm thấy xấu hổ khi ra giá, họ chỉ nhận tiền sau khi xong việc, vì thế khách có thể trả tùy ý”.

Sự tuyệt vọng của người di cư

Đối với hàng nghìn người di cư và người tị nạn sống ở Athens, hầu như ai cũng không muốn ở lại, vì với họ Hy Lạp chỉ là trạm dừng chân để có thể đặt chân đến các nước châu Âu giàu có khác. Những quy định mới về an ninh biên giới và hạn ngạch tiếp đón người nhập cư đã khiến họ bị mắc kẹt trên đường đến Bắc Âu. Và khi tiền bạc mang theo không còn, họ gần như không có cách nào kiếm tiền hợp pháp. Điều này đặc biệt đúng đối với công dân các nước như Afghanistan, Pakistan và Iran, bởi họ được xếp loại là “di dân vì lý do kinh tế”, nên bị mắc kẹt tại Hy Lạp lâu hơn hầu hết người Syria, vốn được coi là “người tị nạn”.

Địa điểm bán dâm của những thanh niên di cư trẻ thường ở Pedion tou Areos, Quảng trường Victoria hay một số quán bar, câu lạc bộ trong thành phố. Quán bar Sami trong khu phố Fylis là một nơi tụ tập của những người di cư trẻ.

Hassan 24 tuổi, đi cùng bạn mình là một thanh niên 20 tuổi. Anh đã ở Hy Lạp được 2 tháng sau khi rời Iran, hiện cả hai cùng sống tại sân bay. Ở đó họ không có đồ ăn, không có nước tắm.

Đây là lần thứ hai Hassan tới câu lạc bộ này. Một khách hàng ngồi xuống cạnh anh ta. Trong vòng vài phút, một trong những vũ công đến gần làm phiên dịch, họ thỏa thuận mức giá 30 euro rồi rời đi. Mặc dù đó có thể là các giao dịch hàng ngày nhưng cuộc sống của người nhập cư ở Athens hoàn toàn tách biệt với cuộc sống của người dân Hy Lạp, hầu hết người bản xứ hoàn toàn không biết gì về những địa điểm như vậy. 

Điều đáng nói, kinh tế khó khăn kéo dài nhiều năm đã khiến nhiều phụ nữ Hy Lạp chọn con đường bán dâm. Nhưng những năm gần đây, nạn mại dâm nam cũng đang ngày càng tăng lên, trong đó có thêm rất nhiều thanh niên từ Trung Đông và Nam Á, khi Hy Lạp phải gồng mình chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như dòng người tị nạn đổ dồn về. 

Không có cách nào để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, người di cư ở Hy Lạp càng thêm tuyệt vọng. Và vì thế, Athens và những người tị nạn có thể còn “mắc kẹt” vào nhau nhiều năm nữa.