Nhiều người nắm giữ cổ phiếu trong vụ Trịnh Văn Quyết muốn được là bị hại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuối giờ sáng nay 24-7, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan, do có các sai phạm liên quan đến chứng khoán kết thúc phần xét hỏi. Phiên tòa trở lại vào sáng mai (25-7) với phần tranh luận, viện kiểm sát nêu quan điểm về vụ án.

Trước khi diễn ra phiên tòa, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros trong phiên chào sàn tới phiên tòa với tư cách bị hại. Ngoài ra, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, hầu hết những người nêu trên đều không tham gia phiên tòa. Trong phần xét hỏi trước đó, chỉ có một nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ROS của Công ty Faros đề nghị được bồi thường thiệt hại.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa.

Tại phần xét hỏi hôm nay, một số nhà đầu tư được triệu tập với tư cách người liên quan đã có ý kiến. Theo đó, ông Lưu Quang Hưng (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) trình bày ông này mua cổ phiếu ROS từ khoảng năm 2019-2020, mua dần dần để tăng khối lượng cổ phiếu nắm giữ. Hiện, ông Hưng còn nắm giữ 150.000 cổ phiếu ROS.

Ông Hưng nói rằng những người đang nắm giữ cổ phiếu ROS hiện nay mới là những người chịu thiệt hại trực tiếp từ vụ án. Do đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan này đề nghị Tòa án xác định ông Hưng và những người tương tự là bị hại.

“Tôi mong ông Trịnh Văn Quyết khắc phục cho chúng tôi, những người không còn nhu cầu nắm giữ bằng cách mua lại cổ phiếu ROS”- ông Hưng nói.

Về phần mình, ông Lê Ngọc Nông (SN 1978, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng) được triệu tập đến phiên tòa cả với tư cách bị hại và người liên quan. Ông Nông hiện còn đang nắm giữ hơn 667.000 cổ phiếu ROS.

Theo trình bày của ông Nông, ông này mua cổ phiếu ROS qua sàn chứng khoán HOSE (Sàn giao dịch Chứng khoán TP HCM – PV). Khi đó, cổ phiếu ROS nằm trong rổ VN30. Rổ VN30 gồm 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa, thanh khoản cao nhất trên sàn HOSE. Vì vậy, ông Nông cũng như các nhà đầu tư khác tin tương bỏ tiền ra để nắm giữ. Đến tòa, ông Nông mong muốn được bồi thường thiệt hại cả về vật chất và tinh thần.

Cũng trong tâm trạng như những người nêu trên, một người nắm giữ cổ phiếu do nhóm Trịnh Văn Quyết tạo ra (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, nói bản thân người này đang mắc kẹt 150.000 cổ phiếu ROS.

Người này thắc mắc, bản thân không được xem xét là bị hại trong vụ án mà chỉ là người liên quan và có mong muốn HĐXX xác định lại, coi tất cả những cổ đông, người đang nắm giữ cổ phiếu ROS là bị hại của vụ án.

Gửi gắm đề nghị trực tiếp đến bị cáo Trịnh Văn Quyết, người liên quan này muốn cựu Chủ tịch FLC hãy dùng tài sản của mình để mua lại cổ phiếu của những cổ đông không còn muốn tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp nữa.

Trước đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết khai sau khi mua lại Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), công ty này đã thực hiện các dự án trong hệ thống của Tập đoàn FLC. Đặc biệt, Công ty Faros đã thi công nhiều công trình rộng hàng nghìn hecta và các tòa tháp tại Hà Nội, Bình Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa...

Bên cạnh đó, công ty này còn thi công các dự án cho chủ đầu tư khác như xây dựng công viên văn hóa chủ đề "ấn tượng Hội An" (nhà hát biểu diễn ngoài trời hơn 3.360 chỗ ngồi và nhà hát biểu diễn trong nhà 1.000 chỗ ngồi tại tỉnh Quảng Nam); xây dựng khu đô thị ở Đà Nẵng.

Trước tòa, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bày tỏ được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng của mình để khắc phục hậu quả vụ án.