Nhiều người mắc bẫy tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ VOIP, bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN -  Ghi nhận của lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy, hoạt động tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn sử dụng công nghệ VOIP (âm thanh được truyền qua giao thức Internet), đang diễn biến phức tạp. Nhiều bị hại đã bị lừa đảo với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Cơ quan chức năng khuyến cáo thủ đoạn của các đối tượng sử dụng công nghệ VOIP để gọi điện, giả danh cơ quan thực thi pháp luật thông báo người dân có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như ma túy, rửa tiền… và làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an để đe dọa, sau đó yêu cầu nạn nhân sử dụng điện thoại hệ điều hành Android để tải và cài đặt ứng dụng có tên “BỘ CÔNG AN” do các đối tượng cung cấp.

Sau khi cài đặt, giao diện ứng dụng có hình ảnh “Công an hiệu” kèm chữ “BỘ CÔNG AN”, có các trường để điền thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, họ tên, số chứng minh nhân dân…

Từ đây, các quyền quan trọng để quản lý thiết bị như: nhận, đọc, soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị; bật tắt mạng Internet, truy cập wifi; đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi; đọc, ghi bộ nhớ; thông tin thiết bị đều bị các đối tượng kiểm soát; đặc biệt, các tin nhắn, cuộc gọi đến máy nạn nhân đều được ngầm chuyển thông tin về máy chủ của đối tượng, không hiển thị trên điện thoại nạn nhân nên nạn nhân không hề hay biết.

Để chiếm đoạt tài sản, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng một số cách thức như sau:

- Yêu cầu bị hại tự nhập thông tin tài khoản, mật khẩu vào các trường thông tin trên ứng dụng; toàn bộ dữ liệu này lập tức được chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, sau đó, các đối tượng truy cập tài khoản, chuyển tiền đi để chiếm đoạt.

- Yêu cầu bị hại tự đăng ký các tài khoản ngân hàng mới do bị hại tự đứng tên, rút tiền từ các tài khoản khác để nộp vào tài khoản mới hoặc yêu cầu bị hại tất toán các sổ tiết kiệm, các khoản đầu tư…, chuyển vào tài khoản mới lập. Khi đó, các đối tượng âm thầm theo dõi nội dung tin nhắn, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập tài khoản, chuyển tiền đi để chiếm đoạt.

Từ thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, cơ quan chức năng nhận thấy đây là tội phạm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia, có sự phân công nhiệm vụ chặt chẽ, trong đó, các đối tượng người nước ngoài giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu; các đối tượng người Việt Nam được thuê để tìm kiếm danh sách bị hại, gọi điện lừa đảo, thu mua tài khoản ngân hàng rác phục vụ hoạt động nhận, chuyển tiền phạm pháp. Dòng tiền lừa đảo thường được chia nhỏ, luân chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau, sau đó thông qua các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số (Binance, Remitano…) hoặc dịch vụ đổi tiền bất hợp pháp tại các tỉnh giáp biên giới để chuyển ra nước ngoài nhanh chóng.

Mỗi người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ với phương thức, thủ đoạn nêu trên. Trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phải kịp thời liên hệ, thông báo ngay đến cơ quan Công an để được hướng dẫn, phòng tránh.