Nhiều người lao động còn thỏa thuận, tiếp tay cho doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm

ANTD.VN -  Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ 583 doanh nghiệp nợ BHXH đề nghị tổ chức Công đoàn khởi kiện nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động. Song ở nhiều nơi, người lao động lại thỏa thuận hay tiếp tay cho doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH…

Từ nay đến cuối năm, Hà Nội tiếp tục thanh tra 80 đơn vị nợ BHXH

Chỉ khi có thông báo thanh tra mới chịu… nộp tiền nợ BHXH

Hà Nội hiện là địa phương có tỷ lệ nợ đóng BHXH cao nhất nước, với hơn 400.000 người lao động đang bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp về chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Khi liên ngành gồm 6 sở, ngành của Hà Nội (BHXH Thành phố, CATP Hà Nội, Thanh tra Thành phố, Cục Thuế Thành phố, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động Thành phố) cùng bắt tay ký kết một quy chế phối hợp về triển khai các biện pháp bảo đảm quyền lợi của người lao động, tỷ lệ nợ đóng BHXH trên địa bàn đã giảm mạnh vài năm gần đây, nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước.

Có một thực trạng đáng chú ý là rất nhiều doanh nghiệp bị “bêu tên” liên tục vẫn cố chây ỳ, thậm chí trốn đóng BHXH, chỉ khi có thông báo khởi kiện từ công đoàn hoặc chuyển cơ quan điều tra mới chịu trả nợ…  

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, BHXH Thành phố có văn bản đề nghị CATP Hà Nội phối hợp điều tra, xác minh bảo đảm quyền lợi của người lao động tại 11 đơn vị nợ BHXH với số tiền trên 57 tỷ đồng. Chỉ ít lâu sau khi có văn bản đề nghị này, các đơn vị nợ đọng đã nộp được trên 29 tỷ đồng tiền BHXH.

Trung tá Đỗ Anh Ngọc, Đội phó Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - CAQ Long Biên cho biết, 6 tháng đầu năm nay, CAQ đã phối hợp với BHXH quận kiểm tra 45 doanh nghiệp nợ đóng BHXH 3,93 tỷ đồng, sau kiểm tra đôn đốc thu hồi được 3,27 tỷ đồng, đạt tỷ lệ thu hồi 83,2% số tiền nợ. 

Tương tự, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Nam Từ Liêm cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, phòng LĐ-TB&XH quận cùng BHXH quận đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về lao động, việc làm tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH để đôn đốc thu nợ.

Kết quả, có 22/35 đơn vị sau khi nhận được Quyết định kiểm tra liên ngành đã thực hiện nộp hết số tiền nợ BHXH, BHYT với số tiền thu được là 3,75 tỷ đồng. Từ kết quả đó, ông Tuấn nhấn mạnh, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành các đơn vị nợ BHXH, các đơn vị chưa thực hiện đăng ký đóng BHXH cho người lao động…

Tính chung, 6 tháng đầu năm 2019, liên ngành thành phố (6 ngành) và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tới 2.119 cuộc thanh tra, kiểm tra đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền nợ 397 tỷ đồng. Kết quả là sau khi thanh kiểm tra đã thu hồi được 218 tỷ đồng (đạt 49,5%), xử phạt hành vi chậm đóng BHXH tại 11 đơn vị, với số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.

Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đọng, đổi mới tuyên truyền về chính sách BHXH

Người lao động còn lo sợ hoặc tiếp tay cho doanh nghiệp

Tính đến nay, BHXH Thành phố Hà Nội đã chuyển hồ sơ 583 doanh nghiệp, với số tiền nợ BHXH lên tới 474,3 tỷ đồng đề nghị tổ chức Công đoàn khởi kiện nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.

Theo BHXH TP Hà Nội, bên cạnh ý thức chấp hành pháp luật về lao động, BHXH, BHYT của nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc, nhiều đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, thì chính bản thân nhiều người lao động cũng chưa nhận thức đúng, đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Phân tích thêm về điều này, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Nam Từ Liêm cho biết, một phần do người lao động hiểu biết các chính sách về BHXH chưa đầy đủ nên ít đấu tranh khi chủ sử dụng lao động vi phạm luật về BHXH, phần khác có một bộ phận không nhỏ người lao động chỉ quan tâm đến nguồn thu nhập hiện tại được hưởng, sợ bị trích tiền lương để tham gia BHXH, sợ mất việc… nên sẵn sàng thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động nhằm trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Trước thực trạng trên, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2019, liên ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến chính sách BHXH, BHYT tới người lao động, thông tin rộng rãi các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, tiếp tục tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng BHXH…

Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cũng đề nghị liên ngành đổi mới các hình thức, biện pháp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT hiệu quả tới doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng BHXH, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.