Xã hội hóa y tế trong bệnh viện công:

Nhiều người bệnh mất tiền oan

ANTĐ - Xã hội hóa trong các bệnh viện công lập đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo ngành y tế, giúp người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao, song cũng tồn tại nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc lạm dụng các dịch vụ xã hội hóa thu phí cao hay kê chèn giường dịch vụ trong khu vực điều trị công khiến nhiều người bệnh phải mất tiền oan.
Nhiều người bệnh mất tiền oan ảnh 1
Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục chấn chỉnh công tác xã hội hóa trong bệnh viện

Phải tách biệt giường dịch vụ

Tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư xã hội hóa y tế” do Sở Y tế Hà Nội tổ chức sáng 3-10, vấn đề kê giường dịch vụ trong khu vực điều trị công lập để “tận thu” người bệnh đã được nhắc đến. Thực tế hiện nay, do tình trạng quá tải nên nhiều bệnh viện công lập của Hà Nội đã bố trí kê thêm giường điều trị dịch vụ (giường theo yêu cầu) trong khu vực điều trị công. Điều này khiến người bệnh đến điều trị (khi giường bệnh kế hoạch quá tải) phải nằm ở những giường bệnh dịch vụ và phải nộp thêm khoản tiền từ 100.000-200.000 đồng/giường/ngày.

Việc nằm giường dịch vụ phải trả thêm tiền là hiển nhiên, song đáng nói là các giường dịch vụ này thực chất vẫn kê xen kẽ trong khu vực điều trị công lập, cạnh các giường bệnh thu viện phí công lập. Số giường dịch vụ này đã làm tăng thêm mức độ quá tải và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị, quyền lợi của cả người bệnh nằm giường dịch vụ lẫn giường công lập. Cơ sở vật chất, thậm chí cả trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ cho giường dịch vụ vẫn sử dụng tài sản công nên việc tính phí dịch vụ khiến không ít người bệnh bức xúc. Chưa kể các cán bộ, nhân viên y tế trong các khu vực điều trị công lập vẫn hưởng lương ngân sách song lại có thêm phụ cấp nhờ phụ trách thêm giường dịch vụ… 

TS Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, đây là điều không thể chấp nhận được. Do vậy, tới đây các bệnh viện cần quy hoạch khu vực điều trị tự nguyện, khu xã hội hóa riêng. Khu vực này có thể vẫn nằm trong khuôn viên bệnh viện nhưng nhất định không được “ở chung” trong các khoa điều trị công lập. Theo TS Lưu Thị Liên, hiện tại các bệnh viện ở TP.HCM hay các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương… đều đã thành lập các khoa điều trị tự nguyện, dịch vụ. Còn việc kê xen kẽ giường dịch vụ trong các khoa công lập tại một số bệnh viện của Hà Nội không thể hiện được sự công khai, minh bạch trong xã hội hóa.

Nơi thừa, nơi thiếu!

Ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau 5 năm thực hiện công tác xã hội hóa y tế theo Nghị quyết số 06 của HĐND và Đề án 100 của UBND TP Hà Nội giai đoạn 2009-2015, đến nay đã có 13/41 bệnh viện công lập của Hà Nội triển khai thực hiện các đề án liên doanh, liên kết xã hội hóa y tế. Nguồn vốn xã hội hóa mà các cơ sở y tế của Thủ đô thu hút được lên tới 236,61 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa y tế cũng đang tồn tại khá nhiều bất cập. Các đơn vị triển khai chậm, chưa đồng bộ. 

Thực tế hiện nay, công tác xã hội hóa y tế ở Hà Nội hiện mới chỉ triển khai ở một số bệnh viện tuyến thành phố, trong khi các bệnh viện tuyến huyện vốn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị thì hầu như chưa triển khai được. Chẳng hạn, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Trì, dù nằm sát nội thành song hiện không có bất cứ dự án xã hội hóa nào được triển khai, trang thiết bị y tế hạn chế khiến bệnh nhân nặng thường chủ động vượt tuyến. Lãnh đạo bệnh viện này cho biết, bệnh viện đang rất cố gắng để tới đây triển khai được dự án lắp đặt 1 máy chụp CT, để giữ được bệnh nhân.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa y tế đều tập trung vào những lĩnh vực như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa, huyết học… Đây vẫn được xem là những lĩnh vực dễ thu hồi lợi nhuận. Trong khi các chuyên khoa được xem là ít “màu mỡ” như: chống nhiễm khuẩn, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu… thu hút nguồn lực xã hội hóa rất khó. Mới đây, tại đợt giám sát của HĐND TP Hà Nội về công tác xã hội hóa y tế trên địa bàn, nhiều tồn tại khác cũng đã được nêu ra như tình trạng đầu tư trang thiết bị y tế ngoài danh mục, thiếu minh bạch, lúng túng trong tính giá dịch vụ, chia tỷ lệ phần trăm, khấu hao thiết bị... giữa BV và chủ đầu tư. Tất cả các yếu tố này khiến cho giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng cao, người bệnh chịu nhiều thiệt thòi. 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các bệnh viện của thành phố rà soát lại công tác xã hội hóa y tế, đơn vị nào còn tồn tại, sai sót phải kịp thời chấn chỉnh. Tới đây, Sở sẽ tăng cường kiểm tra công tác xã hội hóa tại các bệnh viện công lập. Đơn vị nào còn để xảy ra vi phạm chắc chắn sẽ bị “tuýt còi”.