Nhiều nghi vấn quanh niên đại bia cổ

ANTĐ - Báo An ninh Thủ đô đã thông tin về việc Bảo tàng Bắc Ninh vừa phát hiện tấm bia cổ được cho có niên đại từ thời nhà Tùy- năm 601. Song, gần đây, một số nhà nghiên cứu đã đưa ra những lập luận khác dựa trên những chứng cứ khoa học xác thực.

Cận cảnh tấm bia cổ ở Bảo tàng Bắc Ninh

Nghi vấn về địa danh lịch sử

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Hà, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long cho biết, thắc mắc lớn nhất xoay quanh tên địa danh được nhắc tới trong nội dung tấm bia. Địa danh được ghi trong bia là chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao Châu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện khảo cứu các tư liệu nhiều người đã đặt dấu hỏi về tính minh xác của nội dung trên. Trong lịch sử, địa danh Long Biên đã từng được nhắc đến nhiều lần trong các thư tịch cổ thời Bắc thuộc.

Sách “Thủy kinh chú” có ghi rõ: Kiến An năm thứ 23 (Đời Hán Hiến Đế - 218) bắt đầu lập châu. Nhận thấy, giao long chầu hai bên bờ phía nam, bắc nên đổi Long Uyên thành Long Biên. Giao Chỉ lấy Long Biên làm sở trị. Sách cũng giải thích việc đổi tên gọi ban đầu là “Long Uyên” (giao long ở vực/sông sâu) thành “Long Biên” (giao long ở bên vực/sông) dựa theo hiện tượng cảnh quan môi trường mà định tên gọi. Cách đặt tên trên gọi là từ nguyên học dân gian. Tuy nhiên, cuốn sách trên lại không cho biết cụ thể việc đổi tên đó được tiến hành vào thời gian nào sau khi lập quận và do ai đổi? Trong sách “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn cho rằng, việc đổi tên Long Uyên thành Long Biên mới có từ thời Đường chứ không phải từ trước đó. Nguyên nhân bởi, chữ “Uyên” là tên húy vua nhà Đường, cho nên mới đổi là “Long Biên”. Sự thay đổi tên gọi này là theo lối kỵ húy. Như vậy, tên gọi Long Biên chí ít phải sau năm 618 mới xuất hiện, chưa thể có vào năm 601 như tấm bia đã ghi. Vậy phải chăng vẫn còn đó những mâu thuẫn từ nội dung tấm bia với tư liệu lịch sử được ghi chép lại?

Có từng tồn tại ngôi chùa Thiền Chúng?

Để thực sự tìm ra lời giải xác đáng cho niên đại thực sự của tấm bia, các nhà nghiên cứu đều hướng đến phương án cần có những khảo cổ học tại khu vực phát hiện ra tấm bia đá cổ này để có thêm tư liệu. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi những phương án được đề ra, vấn đề xác thực sự tồn tại của chùa Thiền Chúng tại thời điểm đó đã được nhiều nhà nghiên cứu nghĩ tới. Sách “Thiền Uyển Tập Anh” có nhắc tới ngôi chùa tên Thiền Chúng, tuy nhiên mục chú giải địa danh lại khác nhau.

Theo đó, Thiền sư Pháp Hiền (?- 626) trụ trì tại chùa Thiền Chúng (ở núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du); Thiền sư Định Không (?- 808) cũng trụ trì tại chùa Thiền Chúng nhưng lại nằm tại hương Dịch Bảng. Địa danh núi Thiên Phúc (huyện Tiên Du) và hương Dịch Bảng đã đề cập ở trên khác xa về vị trí địa lý với vị trí tấm bia mới được phát hiện. Vậy nên chăng cần phải có thêm những nghiên cứu về tấm bia này trước khi đưa ra công bố rộng rãi. Bên cạnh đó, với đặc thù không thể giám định bằng phương pháp đồng vị carbon  để xác định niên đại, cùng với việc bia đá đã được bảo quản bằng “hương nê” (một loại bùn thơm). Việc xác định niên đại thật của tấm bia vô cùng khó khăn.

PGS.TS Đinh Khắc Thuân (viện Nghiên cứu Hán Nôm) cũng cho biết, hiện giờ, việc xác định niên đại của tấm bia chỉ dựa và sự so sánh giữa hình dáng, loại bia cùng nội dung được đề cập đến trong bia. Tuy nhiên, vẫn còn đó những mâu thuẫn lịch sử chưa được giải đáp xung quanh tấm bia. Cho đến khi được làm sáng tỏ, có lẽ nên gọi tên bia là bia Trí Quả hoặc bia Xuân Quan nơi phát hiện ra tấm bia thay vì cứ ép tấm bia phải có niên đại từ thời Tùy?