Nhiều Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú vẫn là diễn viên hạng 3, hạng 4

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau thời kỳ hoàng kim rực rỡ, sân khấu kịch nói Việt Nam qua 100 năm tồn tại đang gặp phải muôn vàn khó khăn, rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng với việc thiếu hụt khán giả, thiếu hụt diễn viên. Rất nhiều Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân vẫn là các diễn viên hạng 3, hạng 4 với mức lương và chế độ thấp.

Sáng ngày 23/10 tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức hội thảo " 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam-Những vấn đề đặt ra, giải pháp và định hướng phát triển" với sự tham dự của giám đốc các nhà hát kịch, các nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông tới dự.

Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của sân khấu kịch hiện nay là một chuỗi liên hoàn những bất cập. Trước hết, việc thiếu hụt khán giả khiến cho nguồn thu từ việc bán vé của loại hình này hiện nay rất thấp, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Chế độ đãi ngộ nghệ sĩ kém, rất nhiều Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân vẫn là các diễn viên hạng 3, hạng 4 với mức lương và chế độ thấp. Chỉ tiêu biên chế hạn hẹp, các quy định về nhân sự nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng thiếu hụt diễn viên trẻ tài năng.

Hội thảo thu hút nhiều ý kiến tâm huyết của giới hoạt động sân khấu kịch nói.

Hội thảo thu hút nhiều ý kiến tâm huyết của giới hoạt động sân khấu kịch nói.

Vì điều này khiến cho nhiều khoa đào tào nghệ thuật sân khấu của các trường đại học nhiều năm gặp khó khăn nghiêm trọng trong khâu tuyển sinh như khó tuyển sinh, khó đào tạo, thiếu hụt lớp kế cận, người nghệ sĩ khó chuyên tâm vào nghệ thuật do không thể chỉ sống bằng nghề...

"Chính những liên hoàn đó khiến cho nghệ thuật sân khấu kịch nói dần mai một trước tác động mạnh mẽ của yếu tố thị trường. Đó là một điều vô cùng đáng tiếc, đáng lo ngại", Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu nói.

Là người đứng đầu Nhà hát Kịch Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc khẳng định, bên cạnh yếu tố chủ quan từ các đơn vị nghệ thuật chưa thực sự có hướng đi đúng, còn có nhiều cứng nhắc trong cách tiếp cận khán giả, thì yếu tố khách quan từ sự bùng nổ quá nhanh, quá mạnh của nền kinh tế thị trường cũng đã ảnh hưởng đến việc khán giả đi xem kịch, đặc biệt là kịch chính luận.

"Sức cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại khiến sân khấu không còn sức hút như giai đoạn trước, dù những người làm sân khấu nghĩ đủ phương thức để kéo khán giả tới rạp", Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết.

Đi tìm lời giải cho bài toán khó của sân khấu kịch nói Việt Nam, đạo diễn Trần Lực, ông chủ của sân khấu tư nhân Lucteam đã rút ra một nhận định có ý nghĩa sống còn đối với các đoàn nghệ thuật hiện nay: "Không phải khán giả đang quay lưng lại với sân khấu mà là chúng ta (những người làm nghề) sẽ cho khán giả ăn món gì". Điều đó có nghĩa, khán giả không từ bỏ sân khấu mà là các nhà hát, các đoàn nghệ thuật sẽ mang tới cho khán giả những vở kịch nói có chất lượng như thế nào?

Nhớ lại thời kỳ đầu sân khấu rơi vào khủng hoảng, để chiều theo thị hiếu của người xem, những chương trình trên sân khấu đã được xây dựng nhanh chóng, đáp ứng theo nhu cầu của khán giả. Đã từng có một khoảng thời gian, người ta đổ xô đi mua vé để xem hài kịch đơn giản hay những chương trình giải trí dễ dãi vào cuối tuần. Sân khấu lúc ý chỉ còn những vở diễn với tiếng cười đơn giản, thậm chí có phần "rẻ tiền" và đôi khi kèm theo các yếu tố sốc, sex. Chính kịch được coi là một "món ăn khó" đối với khán giả và gần như bị lãng quên, bởi không còn khán giả đến xem.

Sự cẩu thả này khiến cho sân khấu kịch vốn đã yếu, đã khó lại càng khó hơn. Nhưng thời gian gần đây, với sự góp mặt của một số đạo diễn trẻ, tài năng, sân khấu kịch đã có những tín hiệu khởi sắc, chứng minh cho nhận định của đạo diễn Trần Lực là chính xác-"chỉ những vở diễn hay mới khiến khán giả kéo nhau tới rạp".

Theo số liệu thống kê của bộ phận truyền thông của các nhà hát, tổng số buổi biểu diễn những vở chính kịch đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là số khán giả trẻ mua vé đi xem chính kịch cũng chiếm đa số lượng khán giả.

Vở "Bệnh sĩ" của Nhà hát Kịch Việt Nam đã có gần 300 đêm diễn và tiếp tục đưa vào khai thác phục vụ khán giả

Vở "Bệnh sĩ" của Nhà hát Kịch Việt Nam đã có gần 300 đêm diễn và tiếp tục đưa vào khai thác phục vụ khán giả

Trong đó, Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, vở diễn "Lâu đài cát" đã đạt mốc biểu diễn 100 đêm chỉ gần 2 năm tính từ khi vở ra mắt. Vở hài kịch chính luận "Bệnh sĩ" đã diễn được gần 300 đêm và tiếp tục được khai thác biểu diễn phục vụ khán giả.

Có những vở diễn đặc biệt của nhà hát như "Bão tố Trường Sơn", "Kiều"... diễn liên tiếp trong vòng 1 tuần mà khán giả vẫn hỏi mua vé đi xem. Có những vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam đi diễn xuyên Việt ròng rã gần 2 tháng trời, tới đâu cũng nhận được những tình cảm lưu luyến của khán giả.

Đã từ rất lâu, những buổi diễn tại rạp của nhà hát, sau khi vở diễn kết thúc, khán giả vẫn thường nán lại khán phòng để giao lưu với nghệ sĩ, bày tỏ cảm xúc của mình về vở diễn, về câu chuyện kịch.

Với những minh chứng rõ nét từ hoạt động thực tế của các nhà hát, có thể nói rằng, muốn vực dậy sức sống của sân khấu kịch nói không còn cách nào khác là phải xây dựng được những vở diễn có chất lượng, có tính dự báo vượt thời gian.

Sân khấu giờ đây đã qua thời loạn nhịp với những vở diễn đơn thuần có mục đích giải trí. Những vở kịch được chăm chút kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, ý tưởng dàn dựng đến sự hết mình của diễn viên là một cách thay đổi tất yếu của các nhà hát trong giai đoạn hiện nay. Và đây cũng chính là bản chất của hoạt động sân khấu kịch nói với những mâu thuẫn xung đột và ngôn ngữ mang tính hành động, được truyền tải một cách nắn nót đầy tâm huyết của ê kíp sáng tạo mà các nhà hát đã từng có trong quá khứ vào thời hoàng kim.

Nhờ đó, khán giả đã có cơ hội đắm mình vào không gian sân khấu thực sự và đến sân khấu không phải để xem mà là thưởng thức nghệ thuật.