Nhiều nghề sắp biến mất

ANTĐ - Gần 30 năm trong nghề, người lính già giọng buồn rầu khi kể câu chuyện hơn 10 năm nay, ngành pháp y CATP Hà Nội không tuyển được bác sỹ nào. Người tuyển được cuối cùng (vào năm 2001) đã tự xin ra khỏi ngành để tìm kiếm công việc nhẹ nhàng hơn ở bệnh viện Xanh Pôn. Đáng lo hơn khi các tỉnh, thành phố khác cũng đang rơi vào tình cảnh như Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói lên một thực tế: “Đào tạo pháp y gần như tuyệt chủng!”. 

Cũng không riêng pháp y, Bộ Y tế thừa nhận, nhiều ngành học khác cũng không có sinh viên thi đầu vào. Có những tỉnh 5-6 năm nay không tuyển được bác sỹ dự phòng nào. Sự tình nghiêm trọng tới mức, người đứng đầu ngành y tế cho rằng, có lẽ, nhà trường sẽ áp đặt ngành học cho sinh viên chứ không cho tự lựa chọn, mới có thể “hồi sinh” được những ngành học này.

Chúng ta có thể thấy sự tương phản đậm nét giữa câu chuyện của ngành học pháp y hay y tế dự phòng bị “ế” với hình ảnh hàng trăm phụ huynh trắng đêm chen lấn, xô đẩy cổng trường để mua bằng được hồ sơ xin học cho con ở trường Thực nghiệm (Hà Nội).

Sự đối nghịch đó cho thấy xu hướng lựa chọn ngành nghề của một bộ phận xã hội trong giai đoạn hiện nay. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm dự báo và điều tiết xã hội của các cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu trước những xu hướng này? Đây là hiện tượng đã kéo dài nhiều năm nay, vậy Bộ GD-ĐT hay Bộ Y tế đã làm những gì để thay đổi chúng? Với những gì đang diễn ra, dư luận có thể tự trả lời là các cơ quan này đã bó tay, chẳng có phản ứng gì và để mặc xã hội tự vận động, tự điều tiết trong nhiều năm qua.

Các em học sinh không học trường Thực nghiệm có thể học trường khác. Nhưng, nếu sinh viên đầu vào tiếp tục không đăng ký ngành pháp y hay dự phòng, 2 ngành này sẽ “tuyệt chủng”. Bộ trưởng Bộ Y tế nói “rất trăn trở với vấn đề này”... Bộ này đang xây dựng đề án để thu hút sinh viên vào những ngành học như lao, y tế dự phòng, pháp y... Không rõ bao giờ đề án này mới được phê duyệt và tính hiệu quả của nó ra sao. Chỉ có điều chắc chắn là những bác sỹ pháp y nhiệt huyết, yêu nghề nhưng tuổi đã cao giờ đây không còn nhiều thời gian chờ đợi để kịp truyền lại kinh nghiệm quý báu cho thế hệ mai sau.