Nhiều mặt hàng lại tăng giá: Loay hoay xoay xỏa chi tiêu

ANTĐ - Cùng với xu thế biến động giá dữ dội của hàng hóa trên thế giới trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước bắt đầu có xu hướng tăng trở lại sau thời gian “nghỉ tết” im ắng. Điều này đã gây áp lực lên việc kiềm chế lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Người tiêu dùng tính toán, cân nhắc chi li hơn...

Bắt đầu từ 1-3, giá gas trên cả nước lại bước vào đợt tăng mạnh chưa từng có. Giá bán sản phẩm gas tăng thêm 4.333 đồng/kg, đã bao gồm thuế VAT, tương đương với mỗi bình gas loại 12kg sẽ tăng thêm 52.000 đồng so với giá bán đầu tháng 2-2012. Giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng của các hãng gas dao động từ 477.000 đồng/bình 12kg đến hơn 500.000 đồng/bình 12kg tùy vào thương hiệu. Như vậy, sau đợt gas giảm nhẹ 10.000 đồng/bình 12kg từ ngày 10-2 do áp lực của dư luận, thì gas lại tăng mạnh trở lại. Lý giải nguyên nhân tăng giá, ông Đỗ Trung Thành - Trưởng phòng Kinh doanh Saigon Petro gas cho biết, giá gas nhập khẩu thế giới công bố tăng 180 USD/tấn so với giá nhập đầu tháng trước, lên mức 1.205 USD/tấn.

Tiếp tục đà tăng giá của tháng 2, từ đầu tháng 3 này, giá một số loại sữa bột nhập khẩu tiếp tục tăng. Chị Thu Nga (Dịch Vọng - Cầu Giấy) cho biết: “Đại lý sữa quen thuộc đã thông báo sữa bột Abbott cho trẻ tăng giá thêm gần 10%. Tôi quyết định cho con dùng thử sữa Meiji xem cháu có hợp không. Hãng sữa này chưa tăng giá và cũng ít điều chỉnh giá bán hơn”.

Do tác động của dịch cúm gia cầm nên hiện tại, thịt gà, thịt bò tại các chợ đã tăng giá trở lại, thêm 10.000 - 20.000 đồng/kg. Giá thịt lợn cũng tăng nhẹ. Thông tin từ một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu hoặc hàng hóa cho hay, từ 1-3, các doanh nghiệp này sẽ điều chỉnh giá bán để bù đắp phần tăng của tỷ giá. Một số mặt hàng như: bánh kẹo, thực phẩm chế biến có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu có kế hoạch tăng giá bán lên 8 - 10% từ hôm nay. Một số mặt hàng thuỷ sản đông lạnh, phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng dự kiến tăng khoảng 10%... Đại diện các doanh nghiệp cho hay, họ không thể giữ giá bán cũ khi tỷ giá tăng, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng dù sức mua trên thị trường không mấy sôi động. Một số doanh nghiệp áp dụng hình thức khuyến mãi, tặng quà cho sản phẩm có mẫu mã hoặc thêm thành phần mới để có lí do tăng giá.

Hàng loạt hàng hóa thiết yếu tăng giá đã gây áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng. Chị Vũ Thị Mai (Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi kinh doanh cà phê, nước giải khát. Từ sau tết tới giờ khách rất vắng, mà mọi chi phí đều tăng. Cả nhà 4 người trông chờ cả vào quán hàng này, chưa biết tiết kiệm thêm bằng cách nào nữa”. Cùng chung quan điểm với chị Mai, nhiều bà nội trợ lại loay hoay tính toán chi tiêu cho tiết kiệm mà vẫn đảm bảo cuộc sống.

Áp lực tăng giá hàng hóa chưa có “lối thoát” khi gần một tháng qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng vọt. Giá dầu thô trên thế giới hiện đã ở mức trên 106 USD/thùng, gây áp lực lên giá xăng dầu trong nước. Giải pháp giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu xuống 0% của Bộ Tài chính vừa qua chỉ được coi là tạm thời bởi tỷ giá và giá xăng dầu thế giới vẫn ở  xu hướng tăng. Nếu giá xăng dầu trong nước bị điều chỉnh thêm, chắc chắn nhiều hàng hóa còn lại sẽ “rủ” nhau tăng giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát tháng 2-2012 tăng 1,37% là mức chấp nhận được, nhưng xu hướng giá này chưa bền vững. Vì vậy, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng nên đưa ra cơ chế xuất nhập khẩu linh hoạt đối với mặt hàng đường kính; tiếp tục thu mua lúa, gạo cho nông dân để tồn trữ trong khoảng thời gian 3 tháng. Đối với mặt hàng phân đạm, các bộ, ngành liên quan có những biện pháp quản lý chặt chẽ nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và buôn lậu qua biên giới. Đối với mặt hàng sữa, các chuyên gia cho rằng các địa phương nên áp dụng cách làm của thành phố Hồ Chí Minh là vận động các doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn như: Vinamilk, Nutifood… cam kết chỉ tăng giá tối thiểu 6 tháng 1 lần hoặc lâu hơn. Kèm theo đó là các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường để xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm về giá bán.