Nhiều loại nấm độc trông giống hệt nấm thường

ANTD.VN - Vào mùa xuân, các loại nấm rừng từ các tỉnh miền núi phía Bắc được vận chuyển về bán ở nhiều tỉnh, thành phố miền xuôi. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nấm độc có màu sắc sặc sỡ nhưng điều này không đúng.

Một loại nấm trắng cực độc dù nhìn rất giống nấm thường (Ảnh do Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cung cấp)

Từng có một gia đình ở Điện Biên được bệnh viện thuê máy bay trực thăng chuyển về Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì ngộ độc nấm rừng. Thông tin này được Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cung cấp đến báo chí ngày 10-2, nhằm cảnh báo tình trạng ngộ độc do nấm rừng gia tăng trong mùa xuân. 

Tỷ lệ tử vong tới trên 50%

TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị thường tiếp nhận những ca ngộ độc nấm rừng nặng từ các tỉnh miền núi phía Bắc chuyển về điều trị. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc nấm rừng rất cao, lên tới 50%. Điển hình như trường hợp cách đây vài năm, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận và cấp cứu cho 6 người trong một gia đình ở Điện Biên bị ngộ độc nấm.

Bệnh viện và gia đình phải thuê trực thăng chở 6 người xuống Hà Nội để được cấp cứu kịp thời. Trước đó, một gia đình ở huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) gồm 9 người bị ngộ độc sau bữa cơm mừng tân gia bằng món nấm do cả gia đình vào rừng hái khiến 8 người tử vong, chỉ còn lại cậu bé 10 tuổi bị ngộ độc nặng phải chuyển về cấp cứu tại Trung tâm Chống độc…

Vẫn có thể nhầm lẫn giữa nấm độc với nấm không độc nếu chỉ dùng cảm quan. Tuyệt đối không hái nấm dại về ăn

Vào mùa xuân, các loại nấm rừng được vận chuyển về bán ở nhiều tỉnh, thành phố miền xuôi. Đây cũng chính là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, nhiều người vẫn nghĩ rằng nấm độc có màu sắc sặc sỡ nhưng điều này không đúng. Trung tâm tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp ăn phải loại nấm trắng, ăn rất ngọt, mềm nhưng lại cực độc.

Năm 2014, Trung tâm Chống độc tiếp nhận 14 ca bị ngộ độc nấm ở Thái Nguyên và Tuyên Quang chuyển về, trong đó có 3 người tử vong, 10 người nguy kịch vì hôn mê và suy gan nặng. Qua khai thác bệnh sử, các nạn nhân đều ăn loại nấm độc màu trắng, nấm mềm, mùi thơm dịu, nhìn giống hệt nấm thường. 

Bên cạnh đó, quan điểm “cứ loại nấm côn trùng ăn được thì người cũng ăn được” là không đúng. Thực tế, có bệnh nhân thấy kiến ăn nấm, nghĩ không độc nhưng ăn xong thì tử vong. 

Một bệnh nhân ngộ độc nấm điều trị tại Trung tâm Chống độc

Tuyệt đối không ăn nấm lạ

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, việc phân biệt nấm độc với nấm lành không phải dễ, kể cả nhà chuyên môn. Tại Cao Bằng, các chuyên gia đã tìm thấy 13 loại nấm độc. Đặc biệt, một số loại nấm độc sau khi ăn thường 6 giờ hoặc lâu hơn mới xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, khi đó các chất độc đã ngấm sâu vào ruột và hấp thu vào máu nên các biện pháp sơ cứu người bệnh ít hiệu quả. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe của mình, người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang, nấm dại về ăn, kể cả nấm màu trắng, trông giống nấm thường... 

“Cần phải lưu ý, kể cả các nhà khoa học vẫn có thể nhầm lẫn giữa nấm độc với nấm không độc nếu chỉ dùng cảm quan. Không ăn thử nấm, kể cả trước đây bạn đã từng ăn các loại nấm trông giống như vậy và không sao” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh. Sau khi ăn nấm, nếu có biểu hiện ngộ độc nhưng chưa nôn và vẫn còn tỉnh táo thì có thể uống nước, tự gây nôn, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều 1 gam/kg cân nặng (người lớn khoảng 40-50 gam) để trung hòa bớt độc tố. Sau đó cần nhanh chóng đưa tất cả những người cùng ăn nấm đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại đến cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm, giúp các bác sĩ nhanh chóng đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp.