Nhiều khoản thu nhập được miễn thuế

ANTĐ - Từ  hôm nay, 1-7, Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) chính thức có hiệu lực, người lao động có thu nhập trên 9 triệu đồng mới phải nộp thuế. Sẽ có khoảng 85% người đang nộp thuế TNCN thôi không phải nộp thuế.

Mức thuế mới giúp người lao động “dễ thở” hơn

Hàng triệu người sẽ không phải nộp thuế

Ngày 28-6, Chính phủ đã chính thức ký ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Thuế TNCN sửa đổi. Theo đó, kể từ 1-7-2013, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (mức cũ là 4 triệu đồng/tháng). Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Đại diện Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết, mọi công việc chuẩn bị để triển khai luật thuế mới đã cơ bản hoàn thành, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, Bộ Tài chính sẽ có Thông tư hướng dẫn thực hiện. Luật mới chỉ sửa 6 trên 35 điều nhưng lại là những điểm then chốt, quan trọng. Thứ nhất, giảm mức đóng góp thuế thông qua việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 4 lên 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng từ 1,6 lên 3,6 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, nếu như trước đây, một người lao động thu nhập 9 triệu đồng không có người phụ thuộc, mỗi tháng sẽ phải nộp 250 nghìn đồng tiền thuế. Kể cả khi có tới 2 người phụ thuộc, thu nhập 9 triệu đồng cũng phải nộp thêm 72 nghìn đồng tiền thuế mỗi tháng. Nhưng theo Luật thuế mới, thu nhập 9 triệu đồng/tháng không những không bị nộp thuế, mà trường hợp có 2 người phụ thuộc, thì thu nhập tới 16 triệu đồng/tháng vẫn chưa bị nộp thuế. Với 1 người phụ thuộc, người lao động có thu nhập 15 triệu đồng/tháng chỉ phải nộp 120 nghìn đồng, tương đương 0,8% thu nhập. Bên cạnh đó, nếu trước kia thu nhập bình quân để xác định người phụ thuộc ở mức 500 nghìn đồng/tháng, thì nay  được nâng lên 1 triệu đồng/tháng. 

Cũng liên quan đến người phụ thuộc, lần đầu tiên Tổng cục Thuế sẽ cấp mã số thuế (MST) cho đối tượng này. Tổng cục Thuế sẽ cấp MST tự động cho người phụ thuộc kể từ 1-7-2013 dựa trên thông tin đăng ký giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế. Người nộp thuế chỉ phải đăng ký giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc 1 lần trong suốt thời gian tính giảm trừ gia cảnh và chỉ đăng ký lại khi có sự thay đổi về người phụ thuộc và thay đổi nơi làm việc. Với những trường hợp nào không đăng ký MST mới cho người phụ thuộc từ 1-7 sẽ không được giảm trừ gia cảnh, riêng các trường hợp đã đăng ký từ trước khi luật mới có hiệu lực thì được tiếp tục tính giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cơ quan thuế cấp MST. 

Đòn bẩy khuyến khích người lao động

Theo Nghị định số 65 /2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN vừa được Chính phủ ban hành, một loạt khoản phụ cấp, trợ cấp mang tính chất đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ xã hội, bù đắp sẽ được loại ra khi tính thu nhập chịu thuế. 

Cụ thể, đó là trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về người có công, đối tượng tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; phụ cấp quốc phòng an ninh; phụ cấp độc hại nguy hiểm; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi…

Ngoài ra, thu nhập từ chuyển nhượng, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau cũng sẽ được miễn thuế.

Các khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, thu nhập từ lãi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thu nhập từ kiều hối, phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật sẽ không phải nộp thuế…

Đánh giá về những điểm mới của Luật Thuế TNCN, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều theo hướng giảm dần tiền thuế là phù hợp với thực tế. Những vấn đề sửa đổi theo hướng tích cực trên tạo đòn bẩy khuyến khích người lao động, người trực tiếp làm ra thu nhập có thêm tích lũy để lao động hiệu quả hơn. Dưới góc độ tài chính - ngân sách, luật sửa đổi đã thể hiện tinh thần giảm nghĩa vụ đóng góp, nghĩa vụ nộp thuế của người lao động trong ngắn hạn nhưng lại bồi dưỡng nguồn thu trong dài hạn.

Hàng loạt quy định về thuế có hiệu lực từ 1-7

Từ 1-7 Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực. Theo đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Thứ nhất, giảm tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô vừa và nhỏ. Thứ hai, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc. Thứ ba, thay tờ khai quyết toán thuế trong hồ sơ đề nghị xóa nợ đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

Từ 1-7, áp dụng thuế suất Thuế Thu nhập doanh nghiệp 20% đối với doanh nghiệp, kể cả hợp tác xã có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%  đối với phần thu nhập của doanh nghiệp từ  bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội phát sinh từ 1-7. 

Áp dụng thuế suất Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) 5% đối với các hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của luật Nhà ở từ ngày 1-7. Giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới  70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.