Nhiều khả năng sẽ giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, mặc dù mức học phí được quy định trong Nghị định 81/CP nhưng quan điểm của Chính phủ là cần có những điều chỉnh phù hợp.
Bộ GD-ĐT cho biết, nhiều khả năng học phí năm 2022 sẽ được giữ ổn định như năm 2021

Bộ GD-ĐT cho biết, nhiều khả năng học phí năm 2022 sẽ được giữ ổn định như năm 2021

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về học phí. Mặc dù học phí được quy định trong Nghị định 81/CP nhưng quan điểm của Chính phủ là cần có những điều chỉnh cho phù hợp với khó khăn sau 2 năm dịch bệnh Covid-19.

“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân, với xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Dự kiến, một vài ngày tới, Nghị quyết sẽ được ban hành”, Bộ trưởng cho hay.

Theo đó, khả năng cao chủ trương của Chính phủ là giữ ổn định mức học phí như năm 2021.

Đối với công tác tuyển sinh, Bộ trưởng yêu cầu các trường đại học sớm xây dựng phương án tuyển sinh cho năm 2025.

“Bộ GDĐT sẽ có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các trường đại học trong thời gian vài tháng nữa công bố phương án tuyển sinh, chuẩn đầu ra vào năm 2025. Hiện nay, Bộ đang tích cực hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT cho năm 2025.

Việc công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2025 sẽ chưa đáp ứng được hoàn toàn mong đợi của dư luận, mà còn phải căn cứ vào định hướng về tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ GD-ĐT đánh giá, năm 2022, trong công tác tuyển sinh của các trường ĐH, phương thức xét tuyển ngày càng phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý. Một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt, nhưng chưa đầu tư về các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo.

Một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực. Một số trường chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định.

Về đào tạo, một số cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo. Quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng giảm. Vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành, một số khối ngành (I, II, IV) tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh.