Hà Nội:

Nhiều hộ dân không hợp tác phòng dịch sốt xuất huyết

ANTĐ - Thời điểm này một số dịch bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng, sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn Hà Nội. Đáng lo ngại nhiều hộ dân, nhất là ở các quận nội thành vẫn đang thờ ơ, không phối hợp, không hợp tác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp quan trọng để phòng bệnh sốt xuất huyết tại các ổ dịch

Nguy cơ bùng phát lớn

Theo số liệu cập nhật của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội ngày 21-5, từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận hơn 50 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, đây mới là thời điểm SXH bắt đầu vào mùa nên số ca mắc đang có xu hướng gia tăng và chắc chắn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Chỉ tính riêng tuần qua, đã có thêm 9 bệnh nhân mắc SXH mới được ghi nhận, tập trung tại các quận/huyện như Đan Phượng, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Thanh Trì… Hơn nữa, năm nay lại là năm chu kỳ dịch (thông thường 2-3 năm dịch SXH ở Hà Nội lại bùng phát lớn) nên TTYTDP thành phố nhận định tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh này.

Cũng vì thế, cuối tuần qua, Hà Nội đã phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống dịch bệnh mùa hè nói chung, SXH nói riêng. Nhưng điều đáng lo ngại là rất nhiều hộ dân lại đang tỏ ra chủ quan, thờ ơ với công tác này. Trao đổi với chúng tôi ngày 21-5, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tại quận Đống Đa, dù cán bộ y tế, cán bộ các tổ dân phố đã đi từng nhà vận động người dân tham gia diệt bọ gậy, hợp tác với cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH nhưng khi triển khai nhiều hộ vẫn không hợp tác. Có những phường, khi cán bộ y tế đi điều tra bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, khoảng 30-50% chủ hộ vắng nhà hoặc đóng cửa, thậm chí ngăn cản không cho cán bộ y tế vào triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. 

Không tự ý phun hóa chất

Một vấn đề khác phức tạp không kém cũng đang diễn ra ở các quận nội thành là việc người dân tự ý phun hoặc thuê các công ty vệ sinh môi trường đến nhà phun hóa chất khử khuẩn, diệt muỗi, côn trùng lây truyền bệnh. Ông Hoàng Đức Hạnh cảnh báo, thực trạng này nguy hiểm không kém với tình trạng chủ quan phòng chống dịch bệnh, bởi phun hóa chất diệt muỗi nếu thực hiện bừa bãi sẽ gây phản ứng ngược nguy hiểm.

Ông Hoàng Đức Hạnh phân tích, chỉ các đơn vị, cơ quan hoặc doanh nghiệp được cấp phép của ngành y tế trong lĩnh vực phun hóa chất diệt côn trùng, muỗi truyền bệnh mới được triển khai việc này, trên thực tế số đơn vị tư nhân được cấp phép như vậy rất ít. Mặt khác, việc phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH phải có chỉ định của ngành y tế, trên cơ sở ở địa phương đó có bệnh nhân mắc SXH và vectơ truyền bệnh tập trung với mật độ cao, chứ không phải quận/huyện, xã/phường nào cũng tiến hành phun hóa chất diện rộng. Tất cả các hóa chất đều có 2 mặt của nó, việc tự ý phun hóa chất sẽ gây tình trạng muỗi kháng thuốc, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe của những người trong gia đình.

Ngành y tế Hà Nội cũng khuyến cáo người dân, để phòng chống bệnh SXH trong mùa dịch như hiện nay cần phải ngủ nằm màn để tránh bị muỗi truyền bệnh đốt và làm lây lan dịch. Khi bị mắc SXH cần được đưa vào điều trị tại bệnh viện và báo ngay cho y tế địa phương để khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời.