Nhiều gia đình cả nhà cùng mắc sốt xuất huyết, cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ đầu tháng 9 đến nay, trong khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống thì số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố Hà Nội lại tăng nhanh. Không chỉ riêng người lớn mà mỗi tuần còn có thêm hàng chục bệnh nhi nhập viện, thậm chí có những gia đình cả nhà cùng mắc…
Điều trị SXH tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Điều trị SXH tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh nhân tăng vọt theo từng tuần

Tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu tháng 8 đến nay đã tiếp nhận hơn 50 trẻ nhập viện vì mắc SXH. TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, dự kiến con số bệnh nhân SXH có thể tăng lên trong những ngày tới do đây đang là thời điểm mùa mưa, cũng là mùa cao điểm của dịch SXH ở phía Bắc. Theo TS Nguyễn Văn Lâm, bệnh nhi nhập viện điều trị SXH chủ yếu ở Hà Nội và rất đa dạng về độ tuổi, thậm chí có nhiều trẻ nhũ nhi cũng mắc bệnh. Điển hình là trường hợp cháu bé mới 5-6 ngày tuổi đã mắc SXH. Nguyên nhân là do mẹ cháu bé mắc SXH, muỗi truyền bệnh đốt người mẹ rồi lại đốt sang con. Thực tế có không ít trường hợp cả nhà cùng mắc SXH. “May mắn là các trẻ nhũ nhi dù bị SXH nhưng không có biến chứng nặng” - TS Lâm chia sẻ.

Tương tự, tại các bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa… số bệnh nhân mắc SXH nhập viện điều trị cũng gia tăng. Chẳng hạn, tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 430 bệnh nhân SXH, trong đó có 179 ca nhập viện điều trị nội trú, tập trung hầu hết vào tháng 1, 8 và 9. Số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy, từ giữa tháng 8 đến nay, dịch SXH bắt đầu gia tăng mạnh với số mắc tăng vọt theo từng tuần. 4 tuần qua, số mắc SXH trên địa bàn thành phố cứ tuần sau lại tăng gấp đôi, gấp rưỡi so với tuần trước đó. Các quận, huyện ven đô như Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông, Thường Tín, Thanh Oai... là điểm nóng của dịch bệnh này. Cụ thể, tuần từ ngày 17 đến 23-8, toàn thành phố ghi nhận 67 ca mắc SXH tại 42 xã, phường, thị trấn. Đến tuần từ ngày 24 đến 30-8, số ca mắc SXH tăng lên 152 trường hợp tại 74 xã, phường, thị trấn, trong đó 1 trường hợp tử vong. Tuần từ ngày 31-8 đến 6-9, thành phố ghi nhận thêm 228 trường hợp mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại quận Hoàn Kiếm. Và ở tuần gần nhất, từ ngày 7 đến 13-9, thêm 399 trường hợp mắc SXH được báo cáo.

Đoàn Cục Y tế dự phòng kiểm tra công tác phòng chống SXH tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội

Đoàn Cục Y tế dự phòng kiểm tra công tác phòng chống SXH tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội

Nguy cơ dịch chồng dịch hiện hữu

So với cùng kỳ năm 2019, số mắc SXH tại Hà Nội đến thời điểm này giảm gần một nửa, song không vì thế mà có thể chủ quan khi dịch SXH đang bước vào mùa cao điểm nhất trong năm. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch trong những tháng cuối năm còn hiện hữu.

Tuyệt đối không tự ý dùng Ibuprofen hạ sốt cho trẻ mắc SXH

TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo mệt mỏi, chán ăn, phát ban, nguyên tắc đầu tiên các gia đình cần làm là phải xem nguyên nhân sốt của trẻ để tìm cách hạ sốt cho tốt. Do đó, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, theo dõi và chẩn đoán bệnh. Đặc biệt, bác sĩ Lâm khuyến cáo, các phụ huynh tuyệt đối không được hạ sốt cho trẻ bằng thuốc Ibuprofen vì đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu.

Thực tế cho thấy, lúc này ngành y tế Hà Nội, các cơ sở y tế trên địa bàn vẫn đang căng mình triển khai các biện pháp phòng chống nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát. Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, ngoài công tác điều trị bệnh nhân SXH đang gia tăng thì cùng thời điểm từ đầu tháng 8 đến nay, bệnh viện này tiếp nhận 262 người vào khám do nghi ngờ Covid-19 và 80 trường hợp vào viện cách ly phòng chống Covid-19; tổng số làm xét nghiệm Realtime PCR là 106 trường hợp. TS Lê Hưng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chia sẻ, với chức năng đầu ngành truyền nhiễm của thành phố, bệnh viện đã tổ chức tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH của Bộ Y tế cho toàn bộ đội ngũ y bác sĩ để sẵn sàng khám và điều trị cho bệnh nhân, cũng như hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới. Đồng thời, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của bệnh viện vẫn duy trì giao ban định kỳ với các cán bộ chủ chốt vào các chiều thứ 2, 4, 6 hàng tuần hoặc đột xuất để kịp thời cập nhật tình hình dịch và các chỉ đạo mới…

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát phòng chống SXH trên địa bàn thành phố cho thấy, các yếu tố nguy cơ để phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn thường trực. Thêm vào đó, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều đang là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Đặc biệt, theo chu kỳ hàng năm, đỉnh dịch là từ tháng 9 đến tháng 11. Vì thế, nếu chủ quan, dịch SXH sẽ bùng phát.

Các biện pháp phòng chống Sốt xuất huyết

Để tích cực phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.