Nhiều Facebooker bị mắc lừa với video "em bé phát dại, kêu giống... tiếng chó"

ANTD.VN - Ngày 28-2, nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam đã chia sẻ video ghi lại cảnh một em bé rơi vào thể trạng không bình thường, miệng cất tiếng kêu như tiếng chó sủa, rồi cho rằng đây là trường hợp “bị chó cắn, không dám nói với bố mẹ nên phát bệnh dại”. Thực chất, những người dùng Facebook này đã bị mắc lừa, bởi biểu hiện của em bé đó không phải là bệnh dại…

Hình ảnh trong video clip đang khiến nhiều người hiểu nhầm

Xuất phát từ nguồn của người dùng Facebook “Nguyễn Thị Thùy D.”, video ghi lại cảnh một em bé trong thể trạng bất thường, miệng cất tiếng kêu như tiếng chó sủa, đã được lan truyền chóng mặt.

Không ít fanpage tên tuổi và nhiều người dùng Facebook đã “hồn nhiên” dẫn lại, và đều tin vào nội dung đăng tải ban đầu, cho rằng “em bé này bị chó dại cắn nhưng giấu bố mẹ, dẫn tới phát bệnh”. Kéo theo đó là những bình luận thương xót, đồng cảm của nhiều người.

Video không chính xác về “em bé bị chó dại cắn” đang được lan truyền nhanh trên Facebook:

Tuy nhiên, ngay sau đó, những người có chuyên môn đã lập tức lên tiếng phản biện, khẳng định rằng biểu hiện của em bé trong video clip hoàn toàn không phải là biểu hiện của bệnh dại.

Cụ thể, một vị bác sĩ (đề nghị ẩn danh) có chuyên môn về vấn đề bệnh dại cho PV Báo ANTĐ biết: “Người phát bệnh dại không kêu như tiếng chó sủa, nhiều người đã lầm tưởng điều rất sơ đẳng đó”.

“Bệnh dại có hai thể chính, là thể viêm não và thể liệt. Nguồn truyền nhiễm bệnh dại có thể tới từ vết cắn của chó, mèo hay khỉ. Bệnh dại một khi đã phát thì không thể chữa được, người bệnh qua đời trong đau đớn. Họ không thể uống nước, cảm thấy đau đớn vô cùng, nhưng hầu hết vẫn tỉnh táo”, vị bác sĩ cho hay.

Theo bác sĩ trên, triệu chứng phát bệnh dại là người bệnh sẽ thấy ngứa ngáy, tê mỏi, sau đó là tới sốt nhẹ, đau đầu, đau toàn thân. Cao điểm phát bệnh là khi người bệnh bị co thắt cơ hô hấp và cơ nuốt, khiến bệnh nhân không thể nuốt nước bọt. Sau cùng, bệnh nhân tử vong vì liệt hô hấp và ngừng tuần hoàn.

Dưới đây là video cung cấp thông tin khá đầy đủ về bệnh dại (Nguồn: YouTube):

Với việc chia sẻ thông tin không chính xác nói trên, người dùng Facebook D.T.H thẳng thắn bày tỏ: “Mình đã xem video này từ lâu, nó ghi lại cảnh em bé ở bên Trung Quốc không rõ mắc chứng gì. Không hiểu sao bây giờ lại có người đăng lại, rồi thêm thắt thành bị chó cắn, rồi không dám nói với bố mẹ... Có lẽ người tung tin muốn câu view, câu like để phục vụ mục đích riêng".

Qua sự việc nói trên, có thể thấy việc bình tĩnh suy xét, tìm hiểu kỹ vấn đề trước khi chia sẻ trên mạng xã hội là rất quan trọng, để người dùng Facebook không trở thành công cụ trong việc lan truyền những “tin giả”, thất thiệt.