Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa “chạm” được lãi suất ưu đãi của ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

ANTD.VN - Dù các ngân hàng liên tục công bố các gói vay ưu đãi lãi suất thấp để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19 nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay tiền với lãi suất cao, trong khi chênh lệch lãi suất huy động – lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng vẫn giãn rộng.

Lãi suất thấp chưa "đến tay" doanh nghiệp

Ông B, Phó Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp vận tải có địa chỉ trên địa bàn Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thời điểm giảm tới 70 – 80%, chưa kể hơn một nửa số xe nằm không vẫn phải chịu mọi chi phí. Điều này khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn.

Khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ, doanh nghiệp có hỏi phía các ngân hàng, tuy nhiên các ngân hàng đều nói chưa có hướng dẫn cụ thể, vì vậy ngân hàng chưa triển khai được.

Sau đó, doanh nghiệp được ngân hàng thông báo giãn thời hạn trả nợ, nhưng lại theo kiểu dồn cục, khiến doanh nghiệp khó khăn vẫn hoàn khó khăn.

“Chúng tôi đang vay ngân hàng thời hạn 48 tháng, lẽ ra khi ngân hàng giãn nợ 3 tháng thì nên kéo dài thời hạn trả nợ lên 51 tháng để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Đằng này ngân hàng cho giãn nợ 3 tháng, nhưng thời hạn trả nợ vẫn là 48 tháng, những tháng còn lại chúng tôi vẫn phải chia đều số tiền gốc lãi của 3 tháng kia để gộp vào trả, thành thử số tiền phải trả hàng tháng tăng lên, trong khi doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn” – ông B cho biết.

Về lãi suất, ông B cho biết, dù vay tới 3 ngân hàng khác nhau, trong đó có cả ngân hàng quốc doanh lẫn ngân hàng tư nhân, nhưng tính đến thời điểm này doanh nghiệp này vẫn chưa được hưởng chính sách giảm lãi suất, dù thuộc đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19.

“Doanh nghiệp chúng tôi vay với thời hạn 48 tháng, mức lãi suất ưu đãi 1 năm đầu là 8%/năm, các năm sau thả nổi theo lãi suất thị trường, dao động từ 10,5% – 11%/năm. Chưa kể đến chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất, mà ngay cả theo cơ chế thị trường thì lẽ ra chúng tôi cũng đã phải được giảm lãi suất rồi.

Vì theo tôi hiểu thì lãi suất thả nổi là tính theo lãi suất huy động cộng với biên độ, khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng phải giảm. Nhưng đến nay, lãi suất huy động đã giảm rất sâu, còn lãi suất chúng tôi vay thả nổi mà chỉ thấy nổi lên chứ không hạ được chút nào” – ông B nói.

Nhiều doanh nghiệp vẫn than chưa được giảm lãi suất hoặc giảm không đáng kể

Nhiều doanh nghiệp vẫn than chưa được giảm lãi suất hoặc giảm không đáng kể

Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp thoát nước cũng cho biết, mỗi tháng ông vẫn đều đặn nhận được tin nhắn thông báo thời hạn trả nợ, lãi suất của ngân hàng.

Tuy nhiên, mức lãi suất mà doanh nghiệp vay chỉ giảm nhẹ từ mức 10,0%/năm hồi đầu năm, xuống 9,7%/năm hiện tại. “Tuy nhiên số tiền chúng tôi vay không nhiều nên tôi cũng không thắc mắc với ngân hàng về chính sách giảm lãi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước” – vị giám đốc này cho biết.

Nghịch lý biên lãi ròng tăng kỷ lục

Trên thực tế, các ngân hàng đều công bố các gói vay ưu đãi, với mức lãi suất thấp, thậm chí xuống mức chỉ 4,5%/năm – tương đương lãi suất huy động. Tuy nhiên, các gói vay thường áp dụng cho những đối tượng khác hàng khác nhau theo tiêu chí của ngân hàng, chỉ có một vài ngân hàng áp dụng giảm đồng loạt đối với mọi doanh nghiệp.

Cán bộ tín dụng khối Khách hàng doanh nghiệp của một chi nhánh ngân hàng quốc doanh trên địa bàn Hà Nội tiết lộ, trên thực tế, đối với lãi suất huy động, hầu hết các ngân hàng đều có biểu lãi suất được công bố, gần như áp dụng chung cho hầu hết khách hàng. Tuy nhiên với lãi suất cho vay thì không có một biểu lãi suất chung nào cả.

“Chẳng hạn hai doanh nghiệp quy mô như nhau, vay vốn kỳ hạn 3-6 tháng tại ngân hàng, về lý mà nói thì mức lãi suất cho vay sẽ giống nhau. Thế nhưng, thực tế có doanh nghiệp sẽ được vay lãi suất 7,2%/năm chẳng hạn, nhưng có doanh nghiệp lại 7,5%/năm. Cái đó ngân hàng sẽ căn cứ nhiều yếu tố khác nhau” – cán bộ này cho hay.

Đáng nói, dù liên tục công bố các gói giảm lãi suất, nhưng việc chênh lệch giữa lãi suất huy động với lãi suất cho vay đang phản ánh khá rõ trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Báo cáo mới nhất của Fiin Group cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng tăng mạnh, cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động.

Cụ thể, NIM của 21 ngân hàng niêm yết mà Fiin Group quan sát tăng 9,7 điểm cơ bản (bps) so với quý 2/2020, lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ Quý 1/2018 - giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.

Để có được mức NIM cao này, các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ Bảo Việt Bank) cũng tăng lên 9,2% từ mức 9% trong quý 2/2020, cho thấy tác động của việc giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên thu nhập lãi của ngân hàng đã giảm trong quý 3/2020.

"Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5% so với quý 2/2020 trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%. Điều này cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong thời gian vừa qua" - báo cáo Fiin Group cho biết.