Nhiều doanh nghiệp lớn mắc sai phạm

ANTĐ - Sáng qua (25-6), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN năm 2011. Nhiều sai phạm, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty đã được chỉ rõ. 

Áp dụng tỷ giá để tính giá cơ sở sai quy định là một trong những sai phạm
tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

“Sống” bằng vốn chiếm dụng

Theo đánh giá của KTNN, kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 của 27 tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, trong nước tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất ngân hàng có giảm so với năm 2010 nhưng vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, 23/27 tập đoàn, tổng công ty vẫn kinh doanh có lãi, một số đơn vị kinh doanh lãi thấp hoặc giảm mạnh so với năm 2010, 4/27 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ. 

Trong đó, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 1.671 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8(Cieco8) lỗ 137,9 tỷ đồng, Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) lỗ 19,83 tỷ đồng, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco) lỗ 17,1 tỷ đồng. Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) có lợi nhuận sau thuế năm 2011 giảm so với năm 2010 là 321 tỷ đồng...

Tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán tới 31-12-2011 là 263.288 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu là 65.241 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng nguồn vốn), nợ phải trả chiếm 69,94% tổng nguồn vốn cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng. Đứng đầu là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với nợ phải trả trên tổng nguồn vốn là 97,9%, tại Vinaincon là 91%, Vinaconex là 81,7%... Ngoài ra, một số đơn vị vi phạm quy định về mức độ huy động vốn, vay và sử dụng vốn vay bất cập, không bảo toàn được vốn...

Ngân hàng cho nhau vay lãi suất 37,5%/năm

Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước, 6 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho thấy, các tổ chức tài chính ngân hàng cơ bản hoàn thành chức năng, nhiệm vụ chính trị - xã hội được giao. Kinh doanh có hiệu quả hoặc có chênh lệch thu lớn hơn chi, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động nhưng hầu hết lợi nhuận không cao hoặc giảm so với năm 2010. Một số hoạt động của các tổ chức tài chính ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn lớn, chưa thực hiện nghiêm việc hạn chế, không khuyến khích đầu tư cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. 

KTNN cũng chỉ ra rằng: “Tại một số đơn vị hoạt động kinh doanh ngoại tệ chưa tuân thủ quy định, huy động vốn còn vi phạm quy định về trần lãi suất. Cụ thể, huy động vượt trần lãi suất so với quy định của Ngân hàng Nhà nước tại 10 chi nhánh của Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) là 3,2 tỷ đồng, tại Ngân hàng Phát Triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) là 59,7 tỷ đồng”.

Việc điều hành thị trường liên ngân hàng còn hạn chế, không kiểm soát được mức lãi suất cao bất thường. Trong năm 2011, tại một số thời điểm, xuất hiện giao dịch cho vay, gửi tiền liên ngân hàng lãi suất cao như trong tháng 3-2011, có giao dịch với lãi suất 23%/năm, tháng 10-2011 có giao dịch lãi suất 30%/năm, tháng 11-2011 có giao dịch với lãi suất 37,5%/năm, trong khi huy động trên thị trường I (huy động từ dân cư) năm 2011 theo quy định của NHNN tối đa là 14%/năm.

Xăng dầu cũng nhiều vi phạm

Cũng tại buổi họp báo, những vấn đề liên quan tới tình hình kinh doanh, chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp xăng dầu cũng nhận được sự chú ý. Kết quả kiểm toán tại Công ty Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho thấy, doanh nghiệp đã xây dựng mức thù lao cho đại lý, tổng đại lý không có cơ sở. “Mức thù lao cho đại lý của SaiGon Petro có chênh lệch lớn giữa các giai đoạn, khác biệt giữa các khách hàng và chưa đúng với quy định chung”, ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Một trong những sai phạm tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được KTNN phát hiện là việc áp dụng tỷ giá để tính giá cơ sở sai quy định. Theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp phải sử dụng tỷ giá bán bình quân của các ngân hàng thương mại mà thương nhân đầu mối giao dịch để tính giá cơ sở. Tuy nhiên, Petrolimex lại tính theo tỷ giá của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). 

Ông Lê Minh Khái cho rằng: “Rất khó để xác định mức chênh lệch giá khi làm sai quy định trong trường hợp này, tuy nhiên, tác động không quá lớn do tỷ giá tại các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước quy định trong biên độ nhất định”.

Liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đánh giá của đại diện KTNN cho biết, vẫn còn nhiều vấn đề nhưng vẫn nên tiếp tục duy trì quỹ này. Bởi đây là giải pháp phù hợp trong điều kiện chuyển dần sang giá thị trường để ổn định giá và không gây biến động lớn. Cơ chế này rất phù hợp nhưng cần vận hành công khai, minh bạch.

KTNN đã chuyển sang cơ quan điều tra 5 vụ việc sau khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng. Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2011, ông Lê Minh Khái – Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến cuối năm 2012 đã xử lý tài chính được hơn 15.198 tỷ đồng trên tổng số 21.220 tỷ đồng (đạt gần 72% tổng số kiến nghị).