Nhiều doanh nghiệp đa cấp bị thu thồi giấy phép

ANTD.VN - Vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã thông báo rút giấy phép, chấm dứt hoạt động của 3 công ty bán hàng đa cấp. Đây là những đơn vị tiếp theo trong số hàng chục doanh nghiệp đa cấp bị thu hồi giấy phép kinh doanh thời gian qua.

Quy định đã có

Về việc xác định trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp đa cấp, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội, Nghị định 71/2014/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh đã chỉ rõ, hành vi vi phạm quy định về bán hàng đa cấp gồm: Hoạt động bán hàng đa cấp mà không đảm bảo các điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định của pháp luật…Doanh nghiệp vi phạm một trong những hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng.

Ngày càng có thêm nhiều đơn vị kinh doanh đa cấp bị rút giấy phép

 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định các mức phạt tiền đối với người tham gia bán hàng đa cấp có một trong các hành vi:  Không tuân thủ quy định trong quy tắc hoạt động và chương trình bán hàng của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền…

Tùy vào hành vi cụ thể cũng như tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện và doanh nghiệp có hành vi kinh doanh đa cấp bất chính có thể bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật cạnh tranh, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người tham gia có thể khiếu nại hoặc khởi kiện

Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, việc thu hồi Giấy chứng nhận của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không giải phóng các doanh nghiệp này khỏi nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp trong mạng lưới của doanh nghiệp. Theo đó, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Cục Quản lý cạnh tranh có văn bản xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, các công ty có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ đối người tham gia bán hàng.

Liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi của nhóm đối tượng này, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho rằng, người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp nếu đã nộp tiền cọc và mua các sản phẩm của công ty có thể làm đơn khiếu nại gửi tới Cục quản lý cạnh tranh hoặc Sở Công Thương tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp bán hàng đa cấp đóng trụ sở hoặc tiến hành khởi kiện.

Thông thường, có 2 đối tượng tham gia vào mạng lưới công ty bán hàng đa cấp. Nhóm thứ nhất gồm những người tham gia thực sự, họ đóng tiền cho công ty, sau đó có nhận lại hàng để đi bán hàng, nhưng sau đó, họ muốn trả lại hàng để lấy lại tiền. Với trường hợp này, nếu công ty từ chối không nhận lại hàng mà không có lý do chính đáng, Bộ Công Thương cần có sự can thiệp kịp thời để bảo vệ quyền lợi của người tham gia. Ngoài nhóm đối tượng trên còn có những người tham gia vào mạng lưới đa cấp nhưng họ chỉ đưa tiền mà không nhận hàng, hàng tháng nhận một khoản lãi do công ty chi trả. Đây không phải là quan hệ bán hàng đa cấp nên nếu tranh chấp xảy ra sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. 

Khi doanh nghiệp đa cấp bị rút giấy phép, để hạn chế thiệt hại, người tham gia bán hàng đa cấp cần nhanh chóng liên hệ với doanh nghiệp để yêu cầu giải quyết quyền lợi, như yêu cầu doanh nghiệp hoàn lại không thấp hơn 90% khoản tiền mà họ đã trả để nhận được hàng hóa đó; Yêu cầu doanh nghiệp thanh toán các khoản hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác mà doanh nghiệp chưa chi trả…