Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa theo phong trào

ANTĐ - Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã mang lại kết quả ra sao, trong thời gian tới các giải pháp sẽ được thực hiện như thế nào nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa? Ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Cổ phần hóa góp phần thay đổi căn bản và thúc đẩy phát triển bền vững

- PV: Trong 6 tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp, địa phương tiến hành cổ phần hóa chậm. Để xảy ra tình trạng này có xử lý trách nhiệm người đứng đầu? 

- Ông Đặng Quyết Tiến: Các doanh nghiệp và các địa phương trong 6 tháng đầu năm đã rất tích cực triển khai cổ phần hóa nhưng kết quả không như mong muốn. Khi triển khai các bước, các quy trình, tổ chức thực hiện làm đúng theo quy định, nhưng ở những doanh nghiệp này vẫn có những vấn đề tồn tại lớn như phải kiểm kê, đánh giá... 

Về việc triển khai, nếu doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo, nhưng các bước triển khai không đúng tiến độ theo Nghị định của Chính phủ sẽ được Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Trung ương nhắc nhở. Sau khi bị nhắc nhở và được hỗ trợ nhưng vẫn không triển khai được thì sẽ thực hiện theo chỉ thị 06, Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Trung ương sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, tiến hành kiểm điểm, rà soát lại để báo cáo Thủ tướng. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu phải thông qua việc đánh giá đầy đủ nguyên nhân khách quan và chủ quan trong cả quá trình. 

- Liệu việc chuyển các doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần có mang tính hình thức?

- Việc chuyển các doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần là giải pháp cuối cùng, trong khi thị trường vốn, thị trường chứng khoán chưa phát triển tốt. Thị trường hiện nay có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm, do đó việc phát hành ra công chúng (IPO) hay cổ phần hóa một khối lượng lớn sẽ khiến cung lớn hơn cầu nên việc IPO của một số doanh nghiệp không thành công là tất yếu. 

Chính vì vậy, tại Nghị quyết 15 của Chính phủ ngày 6-3-2014 có đưa vào nội dung, trong trường hợp không đủ điều kiện IPO thì mạnh dạn chuyển sang công ty cổ phần, trong đó có các cổ đông là tổ chức công đoàn, người lao động và cả Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). 

Việc chuyển sang công ty cổ phần, tức là chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tiên tiến nhất. Với sự tham gia của các cổ đông thì mô hình hoạt động đảm bảo minh bạch hơn, có sự giám sát tốt hơn, buộc doanh nghiệp phải công khai minh bạch theo quy định. Và trong trường hợp đủ điều kiện thì doanh nghiệp cũng sẽ phải niêm yết.

Đây là một bước thay đổi cách thức quản trị, đưa doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp, với việc đa sở hữu thì doanh nghiệp Nhà nước cũng phải bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, chịu sự giám sát của cổ đông ngoài nhà nước. Điều đó sẽ góp phần cải thiện việc minh bạch thông tin. Tuy nhiên muốn minh bạch hơn thì doanh nghiệp phải tiếp tục giảm tỷ lệ vốn Nhà nước. 

- Những doanh nghiệp sau cổ phần hóa có chuyển biến như thế nào trong quản trị cũng như trong hiệu quả hoạt động?

- Những ví dụ cho thấy cổ phần hóa góp phần thay đổi căn bản và thúc đẩy phát triển bền vững là Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Dệt Phong Phú hay FPT. Sau khi cổ phần hóa, mô hình quản trị được thay đổi hoàn toàn, làm thay đổi toàn bộ tư duy. 

Về cơ bản, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có những thay đổi căn bản về quản trị và tạo ra động lực cho người lao động, do cơ chế tiền lương không còn bị khống chế theo barem nhà nước mà theo hiệu quả công việc. Căn cứ vào kết quả hoạt động của công ty Hội đồng quản trị sẽ xác định tiền lương, thưởng và cổ tức. 

Nhìn chung, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có tốc độ tăng trưởng tốt, cao hơn so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước và lợi nhuận tạo ra cũng đạt được yêu cầu với con số 85% doanh nghiệp có lợi nhuận. 

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, có nhiều doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa theo phong trào, những tồn tại của doanh nghiệp không được giải quyết. Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn rơi vào tình trạng thua lỗ phải tái cơ cấu vòng 2, có nghĩa là tiếp tục sắp xếp lại phần vốn Nhà nước còn lại trong doanh nghiệp. Chính phủ đã giao lại các doanh nghiệp này cho SCIC cơ cấu lại và bán.